Cây Bơ Booth 7 Ở Đức Mạnh (Đắk Nông)

Nếu như nhiều hộ dân khác thường có tâm lý coi cây bơ là cây trồng phụ xen trong vườn, rẫy thì chị Nguyễn Thị Mộng Vân ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (Đắk Mil - Đắk Nông) lại có cái nhìn khác.
Trong những năm qua, chị trồng, chăm sóc trên 2,5 ha giống bơ Booth 7 và đã đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Theo chị Vân thì bơ Booth 7 là giống nhập ngoại, được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đưa vào trồng thử nghiệm. 7 năm trước, khi các nhà khoa học giới thiệu giống bơ này, chị đã mạnh dạn trồng. Nhờ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, cộng với việc được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên bơ Booth 7 nhanh chóng đem lại hiệu quả.
Về những ưu điểm của giống bơ Booth 7, chị Vân cho biết: “Do hình thù trái tròn, vỏ màu xanh đen, dày cứng và chắc nên bơ Booth rất thuận tiện khi vận chuyển. Từ khi hái xuống đến lúc chín thì giống bơ này phải từ 5-7 ngày. Vỏ dày, cơm vàng, dẻo và không nhão. Đặc biệt, cơm bơ cứng có thể nạo, thái... nên người dùng có thể chế biến được các món ăn khác nhau như salat, gỏi...
Giống bơ này còn có thời điểm thu hoạch muộn hơn khoảng 2 tháng so với các loại bơ khác, thường là vào cuối tháng 11 và tháng 12 nên hàng không bao giờ phải chịu cảnh “dội chợ”. Hiện trang trại của chị đã trồng được 1.000 cây với khoảng cách 7m x 7m, trong đó hơn 500 cây cho trái, cây rất lớn và nhiều trái, rất ít bị sâu bệnh.
Do được chăm sóc tốt, mỗi cây có thể thu về từ 70 kg-100 kg/năm. Nếu tính mức giá trung bình là 20.000 đồng/kg thì một cây bơ cũng đem về 2 triệu đồng. Với 500 cây, gia đình thu về cả tỷ đồng/năm. Việc chăm sóc giống bơ nhập ngoại này cũng giống như những cây bơ khác.
Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil thì địa phương có đặc điểm khí hậu và đất đai phù hợp với cây bơ. Nhiều năm qua, bà con cũng đã chú trọng trồng xen bơ vào vườn cà phê để làm cây che bóng, tăng thu nhập.
Tuy nhiên, qua mô hình trồng bơ thuần của gia đình chị Vân thì cũng đã mở ra một hướng phát triển mới cho cây bơ. Từ đây, ngành nông nghiệp huyện sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân các xã, thị trấn đến học tập, nhân rộng ở những nơi có điều kiện phù hợp nhằm tăng thu nhập, làm giàu một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 07/2013, mặc dù trên biển Đông xuất hiện cơn bão số 2, có tên quốc tế là Rammasun, với cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, cũng như người nuôi tại một số tỉnh,. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão chưa gây tác động nhiều đến kết quả sản xuất trong tháng.

Thời gian qua, bệnh đốm trắng trên thanh long diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người trồng thanh long. Đặc biệt, trong lúc giá thanh long diễn biến chưa thuận lợi, tình trạng bệnh đốm trắng gây hại thanh long xảy ra trên diện rộng càng gây khó khăn cho người trồng.

Tơ Hồng Đô (Thiệu Hóa) từng dệt nên thương hiệu dân gian cho cả một vùng đất, nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.

Để khai thác thêm giá trị trên một héc-ta nuôi trồng thủy sản, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Yến, các vụ nuôi tôm vừa qua, nhiều chủ đồng đã phá thế độc canh tôm sú bằng cách nuôi xen canh hoặc luân canh đa thời vụ các đối tượng như tôm rảo, cua, cá và đưa một số đối tượng mới vào thả nuôi.

Hiện cây mía vào cuối giai đoạn đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ vươn lóng, quyết định đến năng suất từng ruộng mía, huyện đang chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp cân đối nhu cầu phân bón, đấu mối với các doanh nghiệp để cung ứng kịp thời cho việc chăm sóc mía của bà con nông dân.