Cầu Nối Giúp Nhà Nông Làm Giàu

Năm 2011, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật (CLB KHKT) xã Song An (thị xã An Khê) được thành lập, trở thành cầu nối trung gian giúp nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi giúp đỡ, hỗ trợ nhà nông về phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm.
Hiện tại, CLB có 11 thành viên Ban Chủ nhiệm và 200 hội viên từ khắp các thôn, làng trên địa bàn. Mỗi thành viên Ban Chủ nhiệm đều có nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, 1 người phụ trách mảng chăn nuôi, 1 phụ trách kỹ thuật trồng trọt, giống và cây trồng, những thành viên còn lại phụ trách tại thôn, làng.
Trong suốt 3 năm kể từ ngày thành lập đến nay, CLB KHKT xã Song An luôn xác định nhiệm vụ của CLB là chuyển giao KHKT phục vụ sản xuất nông nghiệp đến với nông dân, giúp họ hiểu rõ thêm về kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi của mình. Bên cạnh đó, CLB cũng giúp bà con phát hiện và có cách phòng trừ các loại sâu, dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất cho cây trồng, vật nuôi.
Các loại thuốc, phân bón mới cũng được phổ biến để nông dân có thêm nhiều lựa chọn thích hợp. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi để các hội viên nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, từ đó hình thành tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cũng như trong đời sống.
Tính đến nay, CLB đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, điện dân dụng cho 105 hộ nông dân tham gia và nhiều hội thảo khác thu hút hàng trăm lượt nông dân theo dõi.
Ngoài ra, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB cũng thường xuyên được đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất hay ở các địa phương khác, sau đó về truyền đạt lại cho hội viên của mình để cùng mở mang kiến thức.
Ông Nguyễn Xuân Phương-Chủ nhiệm CLB KHKT xã Song An cho biết: “Nhìn chung CLB chúng tôi luôn chuyển giao kịp thời KHKT mới cho bà con nông dân. Mặc dù vậy, khó khăn nhất chính là tạo nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là nông dân khó khăn”.
Ban đầu, các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB có ý định góp 30-50 triệu đồng/người để gầy vốn hỗ trợ, nhưng sau do số tiền góp không đồng đều nên không thành công.
Trước tình hình đó, được sự thống nhất của Ban Chủ nhiệm và sự đồng ý cấp trên, ông Phương đứng ra thế chấp tài sản của mình để vay vốn ngân hàng thương mại, đầu tư phân bón trả chậm cho hội viên nông dân theo mùa vụ. Theo đó, ông Phương trở thành đầu mối giúp nông dân ứng phân bón cho cây trồng của mình.
Tính đến nay, bình quân mỗi năm CLB đầu tư trên 80 tấn phân bón NPK các loại cho hơn 200 hộ nông dân trên địa bàn, trong đó có 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Số nợ tồn hiện tại ước tính khoảng 900 triệu đồng. Mỗi năm, ông Đinh Đang (làng Pốt, xã Song An) ứng hơn 30 tấn phân bón các loại để phục vụ cho diện tích gieo trồng của gia đình mình.
Ông Đang chia sẻ: “Nhà mình không có đủ tiền để mua nhiều phân bón một lúc. May mắn có CLB giúp đỡ cho ứng phân trước để gieo trồng nên cây trồng nhà mình mới có phân để bón kịp thời. Đến khi thu hoạch xong, có tiền mình lại đem ra trả ngay và tiếp tục ứng phân cho mùa vụ sau”.
Với sự hỗ trợ kịp thời, tận tình của CLB, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Song An yên tâm trồng trọt, chăn nuôi khiến CLB trở thành một điểm tựa tin cậy của nhiều gia đình.
Mặc dù vậy, ông Phương vẫn chưa hết trăn trở: “Vì lý do thời tiết khắc nghiệt khiến năng suất cây trồng giảm, nông dân phải chịu giá bán sản phẩm không ổn định và chịu các khoản chi phí trung gian không đáng có, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân, gây thua lỗ, thu không đủ chi, không đủ vốn để tái sản xuất cho mùa sau.
Vì vậy, CLB chúng tôi mong muốn trở thành nơi trung gian ký kết với các nhà máy thu mua nông sản cho nông dân, để giữ giá cả ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Muốn như vậy cần phải có được sự tin tưởng và đồng thuận của bà con nông dân trên địa bàn”.
Có thể bạn quan tâm

Màu đỏ của chôm chôm cứ rực lên như những đốm lửa nhỏ, khẽ tách lớp vỏ ra sẽ gặp một hòn ngọc trong vắt, cắn ngập răng vị ngọt mát rất thanh, nhai lớp cùi giòn, tách hạt dễ dàng...

Mô hình kinh tế tập thể trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và thương mại, dịch vụ đã tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần tô điểm bức tranh kinh tế nông thôn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thêm nhiều khởi sắc.

Góp sức cùng cả hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phục vụ chương trình "Tam nông", 4 năm qua tín dụng cho nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ đã tạo ra “lực đẩy” trong sản xuất kinh doanh của hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện Thanh Thủy, góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Vụ mùa năm 2015, Thanh Sơn gieo cấy 3.470ha/3.470ha cây lúa đạt 100% kế hoạch; diện tích lúa lai 1.605ha/1.600ha đạt 100,3% kế hoạch; diện tích lúa chất lượng cao 302ha/300 ha đạt 100,6% kế hoạch. Hiện tại, diện tích lúa vụ mùa ở Thanh Sơn đang sinh trưởng và phát triển tốt; một số diện tích trà mùa sớm đang trong quá trình đứng cái, làm đòng.

Dưa gang được mùa cộng với giá bán cao nên nhiều hộ dân tại huyện Thăng Bình rất phấn khởi.