Câu Mực Tầng Đáy: Nghề Mới, Lợi Nhuận Lớn

So với nhiều nghề truyền thống trong khai thác đánh bắt thủy sản ở Cà Mau như lưới cào, lưới vây, đẩy te... thì câu mực tầng đáy là nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân và góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ gìn môi trường biển.
Lợi nhuận hấp dẫn
Chuyến cập bến vừa rồi, tàu của gia đình ông Nguyễn Hữu Phước (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) đưa về gần 1 tấn mực, bán được 100 triệu đồng, riêng chủ tàu thu được 60 triệu, ngư dân thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người. Đây là mức thu nhập cao nên ai nấy đều phấn khởi, tích cực bám biển. “Trước đây, cứ sau chuyến đi biển dài ngày về tìm lao động cho chuyến kế tiếp không dễ. Còn giờ người làm công tự tìm đến với chủ tàu” - ông Phước cười vui.
Trước đây, gia đình ông Phước chuyên kinh doanh tôm sú bố mẹ nhưng do nguồn nước ngày càng ô nhiễm nên việc kinh doanh không còn thuận lợi. Thấy các tàu câu mực ở Kiên Giang đậu gần nhà, thu nhập cao nhờ nghề câu mực tầng đáy, ông lén theo học nghề rồi về truyền lại cho bà con.
Liên tiếp mấy tháng qua, hàng chục ngư dân hành nghề câu mực tầng đáy ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có nguồn thu nhập khá nhờ trúng mùa mực và trúng giá. Hiện giá mực ống dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Bình quân mỗi chuyến ra khơi, mỗi tàu cũng thu lãi về từ 50 - 70 triệu đồng (đã trừ chi phí). Chính từ thu nhập hấp dẫn này mà hiện ở thị trấn Rạch Gốc đã có khoảng 20 chiếc ghe chuyên nghề câu mực tầng đáy.
Lợi thế của nghề câu mực tầng đáy là vốn đầu tư ít. Bình quân một chiếc tàu khoảng 150 CV có khoảng 5 - 7 ngư phủ và 1.000 cần câu là có thể thu về khoảng 100 triệu/chuyến biển (7 - 10 ngày). Mùa vụ khai thác thì quanh năm (nhiều nhất từ tháng 6 - 12).
Thiếu sự đầu tư, quy hoạch phát triển
Anh Tạ Thanh Hùng - một chủ tàu câu mực ở thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển) cho biết: “Hiện chúng tôi đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ các tàu của Kiên Giang, có công suất lớn hơn và kinh nghiệm trong nghề lâu năm hơn. Tàu của họ công suất từ 200 CV trở lên, mỗi chuyến ra khơi dự trữ được khoảng 200 cây đá, trên 1.000 lít dầu. Còn tàu mình công suất chỉ bằng phân nửa nên phải thường xuyên chạy vào bờ để nạp nhiên liệu và nhu yếu phẩm, bán sản phẩm. Chính sự vào ra thường xuyên này đã làm giảm lợi nhuận đi rất nhiều”.
Nếu có sự đầu tư đúng mức, nghề câu mực tầng đáy còn có thể trở thành sản phẩm du lịch sinh thái biển - đảo lý thú phục vụ du khách khi đến Cà Mau.
Thị trấn Rạch Gốc hiện có 176 hộ dân sống bằng nghề khai thác biển. Toàn thị trấn có 202 phương tiện đánh bắt, trong đó 52 phương tiện đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Văn Dẽn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc cho biết, trong khi nghề khai thác biển gần bờ đang là mối lo lớn đối với chính quyền địa phương trong vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thì nghề câu mực đáy ra đời bước đầu mở hướng thoát nghèo cho một số hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, khai thác biển. Tuy nhiên, vì là nghề mới nên vấn đề hỗ trợ vốn, kỹ thuật còn hạn chế. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các ngành có liên quan sẽ sớm có kế hoạch hỗ trợ để ngành nghề này được nhân rộng, phát triển.
Bên cạnh đó, vì là nghề mới, phát triển tự phát ở Cà Mau nên đến nay vẫn chưa có sự quản lý, kiểm soát và đầu tư của Nhà nước. Trong khi đây là nghề có khả năng giúp ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt ven bờ đang gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã (HTX) Tôm Nhị Mỹ (Đồng Tháp) có 52 thành viên, bước đầu HTX huy động vốn điều lệ được trên 100 triệu đồng, hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm, dịch vụ cung cấp con giống và dịch vụ cung cấp thức ăn, thuốc thú y.

Tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khiến một số diện tích nuôi tôm vụ 2 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

“Trong tương lai, Lào Cai sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất cá đặc sản khi nhu cầu tăng mạnh từ lĩnh vực du lịch phát triển” - đó là nhận định của ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh.

Khi các cánh đồng lúa ở Đông Hải (Tiên Yên - Quảng Ninh) chín vàng, nông dân hồ hởi ra đồng gặt lúa, thì nhiều người nuôi tôm ở xã lại canh cánh nỗi lo mùa tôm “chín”. Với nhiệt độ thời tiết lên đến 40 độ C đã biến nhiều ao đầm nuôi tôm nơi đây thành những chảo nước nóng khổng lồ, luộc chín những con tôm. Đa phần các hộ vội vàng bán tôm non vì sợ dịch...

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ khu tái định cư ở ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh chỉ vọn vẹn gần 01ha đất (gồm 0,5ha diện tích mặt nước để nuôi thủy sản, còn lại là đất nền nhà và đất trồng cây rừng), cuộc sống của vợ chồng ông Ngô Oanh Rương gặp rất nhiều khó khăn.