Câu Chuyện Của Tú Ông Hoàn Lương Và Thành Tỷ Phú Nhờ... Cá

Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn (Cần Thơ) nghe “tay anh chị” này hoàn lương cũng hiếu kỳ muốn tìm đến xem thử thực hư... rồi kết thân, trở thành mối lái mua bán, giúp anh biết thêm “món” cá chình...
Hơn 10 năm trước, Phan Hồng Phúc (ấp Hoà Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) phạm tội “chứa mại dâm có tổ chức”, bị phạt tù giam. Sau thời gian cải tạo tốt, trở về gia đình, anh dốc sức làm ăn và đã hốt bạc nhờ nuôi cá chình.
“Năm 2000, tôi bị kết án 10 năm tù giam. Nhờ cải tạo tốt, ở trại được bốn năm rưỡi, tôi được khoan hồng, ra trại trước thời hạn” – Phan Hồng Phúc không giấu giếm.
Làm được việc nhiều người mơ ước
Ra tù với 7 công đất ruộng và căn nhà lụp xụp, chưa kịp toan tính gì thì các chủ nợ bủa vây, anh phải “đứt ruột” bán một nửa số đất để xoay xở.
“Còn được ít tiền tôi xuống thăm mấy người bạn ở Cà Mau. Ở đây thấy mô hình nuôi cá bống tượng, khoái quá, về nhà tôi làm thử…” – anh kể.
Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng anh bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Anh không bỏ cuộc mà đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và tài liệu nghiên cứu… Nuôi dần từ chỗ lỗ đến huề và rồi sau đó cũng đã có lãi.
Năm 2005, nghe nói Phan Hồng Phúc nuôi cá bống tượng, ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) nghe “tay anh chị” này hoàn lương cũng hiếu kỳ muốn tìm đến xem thử thực hư... rồi kết thân, trở thành mối lái mua bán, giúp anh biết thêm “món” cá chình. “Hồi đó, tôi chỉ cung cấp giống thôi à, đâu biết nuôi cá thịt. Những đợt cá giống quá lứa, tôi để lại nuôi, không ngờ thành công” – Phúc cho biết.
Khi con cá bống tượng bắt đầu “trục trặc” về giống, thị trường, kỹ thuật chăm sóc, anh nhanh chóng chuyển sang cá chình. Vừa bán giống, vừa nuôi cá thịt. Thế là anh làm được chuyện chưa từng có ở khu vực giáp nước An Giang – Cần Thơ.
Địa chỉ cung cấp cá giống
Ông Vũ Thanh Quyền -Chủ tịch Hội ND huyện Thoại Sơn nhận xét: “Ương nuôi cá chình trong ao đất đã và đang đem lại lợi nhuận cao cho gia đình anh Phan Hồng Phúc. Ngoài việc cung cấp giống, anh còn thu mua cá chình thương phẩm của các hộ nuôi, khuyến khích cùng đẩy mạnh nghề nuôi cá chình. Đây là hướng đi mới, có nhiều triển vọng cho hội viên, ND Thoại Sơn”.
Năm 2010, anh Phan Hồng Phúc đoạt giải khuyến khích trong Hội thi những người hoàn lương kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền anh được khen thưởng “Nông dân giỏi” cấp huyện, cấp tỉnh .
Hiện, gia đình anh vừa nuôi cá chình giống và cá thương phẩm trên diện tích gần 4 công ruộng của mình, vừa cung cấp con giống cho ND địa phương và các địa phương lân cận trên diện tích hơn 3ha. Bằng hình thức này, Hồng Phúc còn hợp tác với ND vùng đầu nguồn Tân Châu và An Phú thả nuôi 6 lồng bè.
Để nhân rộng, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang Trần Văn Cứng đã tổ chức đoàn cán bộ, hội viên ND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến tham quan, học tập mô hình của anh.
Từ năm 2009 - 2012, mỗi năm gia đình anh thu lãi 700 - 800 triệu đồng từ bán cá. Năm 2013, tăng lên 1 tỷ đồng và năm 2014 con số này chắc chắn còn cao hơn do anh mở rộng mô hình, hợp tác với nhiều nơi.
Sau nhiều năm nuôi cá chình, giờ anh đã có thể chủ động được nguồn giống. Gần 2 năm nay, anh là nhà cung cấp cá chình giống cho người nuôi nhiều nơi ở ĐBSCL. “Hiện nay thị trường tiêu thụ cá chình còn rất nhiều tiềm năng. Ai muốn hợp tác, bán cá chình thương phẩm, tôi sẵng sàng hợp tác với tinh thần “hỗ trợ hết mình cho bà con nông dân”- anh Phúc chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng thì ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất.

Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn một tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Từng chiếc quẩy tấu nhuộm vàng những bắp ngô chắc hạt được người dân thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nối bước nhau theo đường mòn, gùi về sân phơi... Bên bãi ngô ven bờ sông Lô, nhiều cặp vợ chồng sôi nổi luận bàn về mùa ngô năng suất mà chưa bao giờ họ có được.

Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cảnh báo về mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường nước, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy hải sản cũng như sức khỏe con người từ việc sử dụng tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Tuy nhiên, việc nuôi hàu tự nhiên bằng loại vật liệu này vẫn đang được áp dụng phổ biến ở BR-VT.

Tuần qua, nỗi lo Trung Quốc cấm biên, nông sản ứ hàng rớt giá thành đề tài nóng xôn xao các thị trường và làm nhức đầu nông dân các tỉnh, nhất là đồng bằng sông Cửu Long.