Cất nhà nhờ điều

Ông Điển là một trong 44 nông dân trồng điều giỏi được Hiệp hội Điều VN (Vinacas) phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản & nghề muối tổ chức tuyên dương, trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ngày 2/7 vừa qua.
Tìm đến nhà ông Điển không khó, bởi người dân quanh đó tận tình chỉ thẳng chúng tôi đến khu nhà nào đang đập đi, gạch đá, bê tông chất đầy cổng để chuẩn bị cất nhà mới, thì đích thị là nhà ông.
Năm nay, nhờ vụ điều trúng ông Điển thu về hơn trăm triệu, cũng tiện nhà cửa đang hư hại, ông liền rút thêm tiền tích góp, đập bỏ cất nhà mới.
Lúc chúng tôi đến, thấy bà con lối xóm, họ hàng mỗi người một tay phụ ông trộn vữa, bê gạch, tiếng cười nói hân hoan.
Ông Điển vừa rót nước mời khách, vừa tâm sự: “Trước đây cái số tôi nó vất vả. Đi bộ đội vào Nam một thời gian, rồi lại trở ngược ra Bắc để SX nông nghiệp. Quê tôi Nam Định, đất lúa phủ kín đường, nhưng hồi đó mất mùa liên tục, làm nhiều mà chẳng đủ ăn.
Tức chí, tới năm 1993, tôi vào Nam, tự lần mò, tìm hiểu tình hình kinh tế mỗi vùng, từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương…, rồi quyết “đóng quân” luôn ở Định Quán, Đồng Nai.
Hồi đó, thấy đất Đồng Nai nhiều, dân lại thưa quá, nên tôi quyết định vay mượn đầu tư mua đất làm nông nghiệp”.
Hai bàn tay trắng, ông khăn gói lên mảnh đất Định Quán lập nghiệp với 3 sào đất mua được. Trích một phần nhỏ đất ở, còn lại ông trồng đủ thứ cây, từ trồng lúa, rồi trồng rau màu để trang trải thu nhập.
Nhờ quyết tâm, chịu khó, đất đai màu mỡ, nên từ lúa cho đến rau màu đều cho năng suất rất cao. Nhờ vậy, chỉ trong 3 năm, ông đã gom góp tiền mua được gần 3 ha đất, đồng thời khởi động kế hoạch ấp ủ suốt thời gian qua: Trồng điều!
Ngay năm đầu tiên, ông phát triển điều trên toàn bộ 3 ha đất của mình, và trồng xen cùng một số cây ngắn ngày để tăng thêm nguồn thu chờ điều lớn.
Vừa chăm cây ngắn ngày, ông vừa chăm bón, lo tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu, theo dõi cây điều phát triển. “Không lâu sau, tôi đã có thể kể vanh vách từng loại phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất cho cây điều. Thời vụ nó như thế nào, tháng nào làm gì, tháng nào dễ mắc bệnh gì, xử lý ra sao, tôi đều nắm rất rõ. Vụ thu hoạch đầu tiên, vườn điều đã cho năng suất 2 tấn/ha", ông Điển chia sẻ.
Chưa hài lòng, ông cùng gia đình thường xuyên thực hiện cải tạo vườn điều, tỉa cành tạo tán, xây bể chứa nước ngay vườn để thuận lợi cho công tác tưới tiêu mùa khô hạn, phun thuốc BVTV và dưỡng hoa, quả đúng kỹ thuật. Kể từ đó, năng suất điều liên tục tăng lên, đến nay đạt trên 3,2 tấn/ha.
Vừa là thành viên Hội Cựu chiến binh tổ dân phố 13, vừa là tổ trưởng Tổ hợp tác điều năng suất cao, công việc của ông ngày nào cũng tất bật, hết lên trên huyện lại về họp khối phố, rồi họp tổ điều. Nhưng cũng nhờ đó, ông có điều kiện để hướng dẫn tổ viên kỹ thuật chăm sóc, cải tạo vườn điều rất chu đáo.
Hiện cả tổ 24 thành viên đều có năng suất điều trung bình gần 3 tấn/ha. Không chỉ trồng điều, hiện ông Điển còn phát triển nông nghiệp gia đình theo hướng VAC với đàn heo, ao cá, cây ăn trái… Nhờ đó, kinh tế gia đình luôn vững vàng, con cái học hành, có công ăn việc làm ổn định. Bản thân ông cũng vinh dự được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen nông dân sản xuất giỏi của trung ương, cho tới cấp tỉnh, huyện, xã.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù chỉ mới bước vào thu hoạch trên số ít diện tích trồng sớm nhưng người trồng bí đỏ ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đang phải đối mặt với viễn cảnh mất mùa. Hàng trăm ha bí đỏ toàn lá và hoa, mỗi cây chỉ rải rác vài trái, nhiều cây không cho trái.

Vừa qua, tại ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm BVTV huyện Cái Bè (Tiền Giang) và chính quyền xã tổ chức hội thảo chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân 2013 - 2014. Tham gia cuộc hội thảo có gần 150 hộ nông dân trồng lúa ở xã Hậu Mỹ Bắc B.

Hơn một tháng qua, trên mặt bằng trước chợ huyện Phù Mỹ (Bình Định), hàng ngày đều có một lượng kiệu giống rất lớn đổ về chợ, chật ních dòng người mua-bán ken dày, rất vui như chợ tết.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn (An Giang), Trần Văn Mì, cho biết: Dự án trồng cây chùm ngây được triển khai từ tháng 4- 2010 với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, tại 3 mô hình, trồng thí điểm ở khu vực núi Dài và núi Cô Tô.

Hiện nay, nghề trồng nấm ở một số huyện trong tỉnh Bắc Giang phát triển khá mạnh, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con mà còn cung cấp thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường.