Cấp thiết nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu

Tăng trưởng nóng
Theo số liệu thống kê tốc độ tăng trưởng nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL không ngừng tăng cả về diện tích, sản lượng. Diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2014 là 699.725 ha (ĐBSCL chiếm 91%), tăng 1,13 lần so với năm 2010, bình quân tăng 3,12%/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 604.130 ha (ĐBSCL chiếm 93,73%) giảm 1,2% so với năm 2010, bình quân giảm 0,3%/năm; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 95.594 ha (ĐBSCL chiếm 74,35%), tăng 13,04 lần so với năm 2010, bình quân tăng 90,03%/năm. Sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2014 đạt khoảng 661.074 tấn (ĐBSCL chiếm 80,61%), tăng 1,5 lần so với năm 2010, bình quân tăng 10,59%/năm. Sản lượng tôm sú 269.711 (ĐBSCL chiếm 85,46%), giảm 16,79% so với năm 2010, bình quân giảm 4,49%/năm; sản lượng TTCT đạt 391.363 tấn (ĐBSCL chiếm 71,15%), tăng gấp 3,32 lần so với năm 2010, bình quân tăng 35%/năm.
Đặc biệt, về kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2014 đạt 3.952,9 triệu USD, chiếm 50,45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 1,56 lần so với năm 2010, bình quân tăng trưởng 17,04%/năm (2010 - 2014). Mặt hàng tôm sú đạt 1.385,5 triệu USD, chiếm 35,05%, mặt hàng TTCT đạt 2.310,5 triệu USD chiếm 58,45. Tôm nước lợ tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu người (ĐBSCL chiếm trên 90%).
Đối diện nhiều thách thức
Tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế ngành tôm năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng tăng trưởng còn nhiều hạn chế, thể hiện trên nhiều mặt.
Cơ sở hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông… phục vụ nuôi tôm nước lợ chưa được đầu tư thích đáng. Hiện, hạ tầng thủy lợi được đầu tư chủ yếu là phục vụ trồng lúa; hầu hết các vùng nuôi tôm chưa có hệ thống cấp, thoát nước riêng, chưa có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giao thông và điện chưa được đầu tư, chủ yếu tận dụng từ các công trình thủy lợi của ngành nông nghiệp dẫn đến nguồn nước không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Khả năng cung ứng tôm giống sạch bệnh cho người nuôi còn rất thấp, khoảng 50%.
Thực tế lâu nay, người nuôi tôm còn khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu vốn sản xuất, nguồn vốn vay tín dụng còn khó khăn, lãi suất còn cao. Chưa kể, các rào cản kỹ thuật, thương mại của thị trường nhập khẩu tôm ngày càng chặt chẽ, yêu cầu an toàn thực phẩm cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, thể chế chính sách cần thiết cho quy hoạch còn thiếu, nhất là chưa có quy hoạch đầy đủ vùng nuôi tôm nước lợ.
Cơ cấu sản phẩm chế biến cũng chưa hợp lý, xuất khẩu chủ yếu ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm chất lượng chưa cao, thiếu tính cạnh tranh, giá thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực 5 - 10%;
Nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững
Để tôm nước lợ ĐBSCL phát triển bền vững, thời gian tới, cần thiết phải thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Theo đó, về hệ thống văn bản quản lý, quy hoạch sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ cho các tỉnh này, cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi và chế biến, tiêu thụ tôm ở 8 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phù hợp quy hoạch tổng thế phát triển nuôi tôm đến năm 2020.
Về giám sát và quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ tôm nước lợ, việc thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm điều phối hoạt động sản xuất và tiêu thụ tôm trong vùng ĐBSCL là điều cần thiết.
Về hạ tầng, kỹ thuật, cần gấp rút xây dựng mới 3 khu sản xuất tôm tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng theo quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Một trong những vấn đề cốt yếu nữa là tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập các tổ hợp tác; tạo mối liên kết chuỗi hữu cơ giữa nhà máy sản xuất thức ăn, tổ hợp nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có sự tham gia của nhà quản lý và các hiệp hội nhằm phát triển nuôi tôm bền vững.
Nhanh chóng cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ vùng ĐBSCL; tiến tới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho tất cả các vùng nuôi tôm tập trung (trong quy hoạch) ở ĐBSCL.
Và cuối cùng, yếu tố không thể thiếu đó là các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần có giải pháp xây dựng cơ chế xúc tiến thương mại đủ mạnh để mở rộng thị trường, tăng chủng loại hàng. Có như vậy tôm nước lợ vùng ĐBSCL mới tạo được thế cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Bá Thuận ở xóm Vệ Nông, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) tâm sự: "Trước đây trên diện tích gần 2 ha, vợ chồng tôi chủ yếu trồng sắn, bạch đàn nhưng không hiệu quả. Hưởng ứng phong trào phá bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, đến năm 2009, chúng tôi đã tìm hiểu và quyết định trồng hơn 100 cây mít Thái Lan".

Tính đến ngày 22-7-2014, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ký được hợp đồng xuất khẩu 5,54 triệu tấn gạo, trong đó Trung Quốc, Philippines là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của VFA.

Trong đó, phương tiện PY-90226 TS và PY-90109 TS hành nghề lưới chuồn; 2 phương tiện còn lại hành nghề lưới rút và câu đèn. Hiện hầu hết tàu cá của ngư dân phường Phú Đông và phường 6 (TP Tuy Hòa) đang neo đậu tại bến, hoặc đang sửa chữa, chưa có kế hoạch ra khơi.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết: “5 ngày qua, bình quân mỗi ngày có từ 20 - 30 tàu câu cá ngừ đại dương của Khánh Hòa, Bình Định cập cảng. Ngư dân đánh bắt được nhiều, giá cả lại nhích lên từng ngày, nên cả chủ tàu và thuyền viên đều có thu nhập khá”.

Là xã thuần nông, cứ hết mùa vụ thì người lao động ở Tây Vinh (huyện Tây Sơn) tỏa đi làm thuê tứ xứ để kiếm thêm thu nhập. Những năm gần đây, xã đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo công ăn việc làm tại chỗ, giảm dần tình trạng người lao động phải tìm việc làm thêm ở xa nhà.