Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cấp Thiết Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản

Cấp Thiết Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản
Ngày đăng: 23/09/2014

Hà Nội có diện tích ao hồ, sông suối lớn rất có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên các hệ thống sông, hồ của TP đang bị suy giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, bảo vệ NLTS là biện pháp cấp thiết để đảm bảo phát triển ngành thủy sản bền vững.

Nguy cơ hiện hữu

Thanh Oai là một trong những địa phương trọng điểm về NTTS của TP với diện tích trên 1.000ha, tập trung tại các xã Thanh Cao, Liên Châu, Dân Hòa, Hồng Dương... Năng suất nuôi cá đạt bình quân trên 5 tấn/ha, hiệu quả của mô hình chuyển đổi NTTS đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ngoài NTTS, người dân trên địa bàn huyện còn khai thác, đánh bắt thủy sản trên hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, NLTS trên các dòng sông này giảm dần do tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện chưa được kiểm soát triệt để.

Không chỉ tại Thanh Oai, tình trạng suy giảm NLTS đang trở thành vấn đề đáng lo ngại trên toàn TP. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Nội, toàn TP có diện tích NTTS trên 30.000ha, ngoài ra còn có diện tích mặt nước các con sông lớn như sông Hồng, Đà, Đuống, Tích, Đáy... có lợi thế cho khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi cá lồng, bè. Sản lượng thủy sản đạt trên 78.000 tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, NLTS tự nhiên trên hệ thống sông, hồ, thủy vực đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản bằng xung điện, chất nổ, hóa chất độc hại... đã ảnh hưởng lớn đến số lượng thủy sản đang có trên các sông, hồ, đồng ruộng ngoài tự nhiên.

Thậm chí, một số loài cá quý của địa phương như cá chày mắt đỏ có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, môi trường nước các con sông, hồ đang bị ô nhiễm do các loại nước thải, hóa chất dùng trong nông nghiệp có tác động xấu đến các loài sinh vật cũng như sức khỏe con người.

Chung tay bảo vệ

Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện thường diễn ra vào ban đêm hoặc khi trời mưa nên rất khó phát hiện.

Bên cạnh đó, việc khai thác thủy sản trên sông, hồ bằng tàu, thuyền vẫn chưa được kiểm tra một cách thường xuyên, trong khi việc tuân thủ các quy định về kích cỡ mắt lưới, hình thức đánh bắt cá của người dân còn hạn chế, dẫn tới nguy cơ làm giảm tính đa dạng sinh học trên các sông, hồ.

Đặc biệt, hoạt động đi lại trên sông của các tàu thuyền, phương tiện vận tải có công suất lớn đã ảnh hưởng xấu đến đường di cư sinh sản, làm mất đi một số bãi đẻ tự nhiên và kiếm mồi của các loài thủy sản.

Theo ông Phạm Văn Tình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lực lượng chuyên môn trong việc kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm này để bảo vệ NLTS. Đồng thời, các địa phương trong cùng lưu vực các con sông cũng cần chung tay phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ, tái tạo NLTS.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được các địa phương quan tâm là công tác tuyên truyền về bảo vệ NLTS. Trong đó, tập trung tuyên truyền để người dân biết, thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tham gia ngăn ngừa, kiểm soát, không thả các sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ, tôm càng đỏ, ốc bươu vàng... vào môi trường để bảo vệ đa dạng sinh học.

Đặc biệt, một trong những biện pháp quan trọng để tái tạo, làm phong phú NLTS là thả thủy sản giống vào môi trường tự nhiên. Triển khai công tác này, mới đây, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tiến hành thả 6.000 con cá giống (cá trôi và cá chày mắt đỏ) ra sông Đáy, đoạn qua địa bàn xã Cao Dương, huyện Thanh Oai.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thả vào môi trường tự nhiên hơn 1,1 tấn cá giống trôi, chép và cá chày mắt đỏ. Ông Hoàng Tiến Minh đề nghị, TP, Sở NN&PTNT tiếp tục bổ sung nguồn kinh phí cho công tác thả cá giống, tái tạo NLTS trên địa bàn TP, đặc biệt là các giống cá có nguy cơ tuyệt chủng.


Có thể bạn quan tâm

Người “Làm Mới” Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh Người “Làm Mới” Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nga ở khóm Hải Hoà (thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đúng vào dịp ông đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu.

27/07/2013
Chuồng Nuôi Heo Sinh Thái Chuồng Nuôi Heo Sinh Thái

Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu.

31/07/2013
Nhân Rộng Đàn Lợn Có Gene Kháng Stress Nhân Rộng Đàn Lợn Có Gene Kháng Stress

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn có gene kháng stress đang là chủ trương tích cực của ngành chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là vùng ngoại thành, nhằm tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi tập trung.

04/06/2013
Được Mùa Ớt Được Mùa Ớt

Với những vườn ớt xuất khẩu đầu mùa trĩu quả với giá thành cao, hứa hẹn một vụ ớt bội thu đối với người trồng ớt ở Tòng Hóa (Hải Dương)...

04/06/2013
Rầu Vì Sâu Cuốn Lá Rầu Vì Sâu Cuốn Lá

Lâu ngày không gặp, cuối tuần rồi, trên đường về quê, Tư tôi tranh thủ ghé thăm anh Chín Hương An ở huyện Quế Sơn. Chạm ngõ, thấy cửa đóng then cài, hỏi người hàng xóm thì được biết vợ chồng anh đang ở ngoài đồng, tôi tìm ra ruộng.

28/07/2013