Cấp Bách Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Ngày 4/9, Bộ NN&PTNT có công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống cúm gia cầm H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác.
Theo đó, đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời không để dịch lây lan. Khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch và lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tận gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các địa phương vùng viên giới, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch động vật, lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus cúm A/H5N6 và các chủng virus khác đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm bệnh, lập bản đồ dịch tễ, hướng dẫn sử dụng vaccine phòng chống dịch cúm gia cầm cho hiệu quả. Trường hợp phát hiện virus cúm gia cầm H5N6 và các chủng virus khác dương tính thì xử lý như đối với virus cúm gia cầm H5N1.
Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ nhập lậu hàng chục ngàn gia cầm và trứng gia cầm qua biên giới (chủ yếu là gia cầm giống và trứng gia cầm giống).
Kết quả xác minh một số ổ dịch cúm A/H5N6 vừa qua cho thấy, dịch xảy ra có liên quan đến buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y. Như vậy, nguy cơ các chủng virus cúm mới tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hoạt động nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới, nhất là phía Bắc rất cao.
Tính đến ngày 4/9, cả nước có ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và xã Tịnh Đông, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương pháp khắc phục dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (EMS), thì một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thử nghiệm đưa bột bã mía vào ao nuôi tôm của mình.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, tôm xuất khẩu sang các thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản đã liên tục bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline.

Từ nhiều năm nay, người cao tuổi ở các xã trong huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đều đã biết về cây chè hoa vàng dùng để nấu nước uống giống như cây chè xanh bình thường. Đây là loài cây mọc tự nhiên trong rừng.

Anh Nguyễn Tâm Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là người đầu tiên thành công nuôi dưỡng cá bông lau từ nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Đây là loài cá có giá trị cao gấp 4 - 5 lần cá tra.

Cùng với cây lúa được đánh giá là vụ mùa bội thu, hiện bà con nông dân huyện Bố Trạch cũng đang tiến hành thu hoạch cây ớt, là loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao trong những năm gần đây.