Cao tuổi vẫn hăng say lao động

Căn nhà nhỏ của lão nông Nguyễn Ninh ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) nằm lọt thỏm giữa căn vườn rộng với ao cá, hệ thống chuồng trại nuôi gà, bò, heo… bao vây xung quanh.
Đã quá giờ trưa, ông Ninh vẫn đang cặm cụi sửa chữa máy ấp trứng gà tự chế để chuẩn bị cho lứa gà mới.
Ông Ninh cho biết, việc nuôi gà của gia đình trước kia hoàn toàn tự phát, chủ yếu con giống được lấy từ gà mẹ ấp tự nhiên. Khi khách hàng đến đặt mua gà giống ngày một tăng, ông buộc phải tính tới kiểu ấp trứng bằng máy.
“Do giá máy ấp trứng trên thị trường có giá thành cao. Tôi lại thích tìm tòi, mày mò nên nghĩ ra ý định tự chế máy ấp”, ông Ninh nói. Vì thế, ông Ninh đã lặn lội đến nhiều nơi để xem thiết kế của các máy ấp trứng, tìm hiểu các tài liệu kỹ thuật, sau đó ông tìm mua phụ kiện, nhờ thợ mộc đóng tủ và tự hoàn thiện phần ráp máy. Chiếc máy đầu tiên ra đời, hoạt động ấp nở gà con đạt đến 85% (tính trên số trứng có trống).
Ông Nguyễn Ninh (ngoài cùng bên phải) chăm sóc đàn gà giống
Theo ông Ninh, 2 chiếc máy ấp của ông đều hoàn toàn tự động điều chỉnh nhiệt độ theo mong muốn. Ưu điểm của máy ấp gà là có khả năng tạo ra số lượng lớn gà giống trong cùng thời điểm, tức là tạo ra tính thương mại cho đàn gà cao hơn. Trong khi đó chi phí cho máy ấp cũng không lớn, nếu tính ra tiền điện mỗi tháng chỉ khoảng hơn 50 ngàn đồng cho máy ấp 500 trứng.
Ngoài ra do giá thành máy ấp tự đóng chỉ bằng 1/3 giá thị trường nên tính ra cả tiền khấu hao máy và tiền điện chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng/tháng.
Nhờ có máy ấp này, gia đình ông bán ra khoảng trên 7.000 con gà giống siêu thịt DAFACO. Không chỉ vậy, từ nguồn gà giống có sẵn, ông Ninh còn nuôi gà thịt để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và người dân tại địa phương. Ông còn xây hồ, nuôi cá giống với đa dạng các loại cá như điêu hồng, tai tượng, rô phi…
Bày tỏ về việc dù đã lớn tuổi, con cái đã yên bề gia thất và ổn định về kinh tế nhưng ông vẫn cần cù lao động, ông cho biết: “Tôi có đến 5 người con, vợ chồng tôi ngày trước làm nông không đủ ăn nên tôi vào Nam làm lao động nhiều ngành nghề…
Giờ lớn tuổi, trở về quê nhà thì mới trở thành nông dân thực thụ. Tôi muốn làm mọi thứ từ trồng trọt, chăn nuôi… không chỉ là phát triển kinh tế mà còn tìm kiếm thú vui điền viên lúc tuổi già”.
Chính từ những kiến thức tiếp thu được để áp dụng vào cuộc sống, nhận biết giá trị của sự học nên ông Ninh luôn động viên con cái và các cháu của mình phải cố gắng học tập, tiếp thu, mở mang kiến thức. “Kiến thức là thứ luôn ổn định và bền vững.
Vì thế, nếu có kiến thức thì dù làm bất cứ nghề gì mình cũng không thua thiệt với người khác. Không học cao thì tiếp xúc thường xuyên với sách, báo cũng giúp mình mở mang kiến thức”, ông Ninh bảo.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 8-11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” do bà Lê Mỹ Hạnh làm chủ nhiệm.

Rắn ri tượng là loài thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nhận thấy được điều đó, để có nguồn cung ổn định cho thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Thới Bình đã phát triển mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm và sản xuất rắn ri tượng giống. Điển hình là mô hình của ông Lê Văn Thắng, ở ấp 6, xã Tân Lộc Đông.

Trước việc một số diện tích lúa ĐX cấy giống BC15 bị hiện tượng lép hạt, gây thiệt hại đáng kể cho một số tỉnh phía Bắc, ngày 21/5, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học và các địa phương tìm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân thiệt hại.

Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các ban ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Chăn huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng, xóa được đói nghèo từng bước vươn lên làm giàu.