Cao Lãnh (Đồng Tháp) Nuôi Cá Trên Ruộng Lúa Trong Mùa Lũ, Góp Phần Cho Thu Nhập Ổn Định

Mặc dù diện tích nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ năm nay có giảm so với năm trước, nhưng các hộ nông dân thuộc các xã: Mỹ Thọ, Phương Trà, Bình Hàng Trung, Gáo Giồng và Ba Sao của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn duy trì mô hình này. Đa phần nông dân nuôi cá trên ruộng lúa khi hết vụ lúa hè thu hoặc sau 3 vụ lúa, tận dụng gốc rạ, lúa chét và mùa nước để thả cá vào ruộng.
Thông thường, thời gian đầu khi cá còn nhỏ, nông dân thả ở dưới ao trong ruộng, cho cá ăn bổ sung thức ăn để cá quen dần môi trường tự kiếm mồi. Đến khi cá khoảng 100gr - 200gr, nông dân mới thả xuống ruộng, mật độ thả cá 1 - 2 con/m2. Khi mực nước lên dần, cá lên ruộng sử dụng thức ăn chủ yếu từ ruộng lúa, và kịp lớn để thu hoạch trước khi bắt đầu sản xuất vụ lúa tiếp theo. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, ruộng nào nuôi cá mùa nước, vụ sau giảm được lượng phân bón đáng kể.
Hiện nay, đàn cá đang phát triển tốt. Với 1,5ha ruộng thả cá, ước tính vụ cá trên ruộng lúa mùa lũ năm nay ông Võ Văn Bé ở ấp 1, xã Mỹ Thọ đạt lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Ông Bé cho biết: “Cuối tháng 6 âm lịch tôi cho cá lên ruộng, chi phí tốn rất ít vì mình lấy công làm lời, tận dụng ốc bươu vàng, rau muống cho cá ăn.
Mùa lũ cá lớn gấp đôi, cá rô phi của tôi giờ khoảng 6 con/kg, cá chép khoảng 3 con/kg, cá mè khoảng 4 con/kg. Tôi dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 11 đến đầu tháng chạp. Thời điểm đó cá có giá, bán dần tới Tết. Còn đất thì khỏi dọn cỏ, cá dọn sạch cả bờ ranh, tới mùa tỉa đậu cỏ cũng không lên lại. Thường lúa ở đây người ta xịt một mùa vụ 5 cử, tôi xịt 3 cử, lúa ít bệnh, ít sâu lắm”.
Cũng theo nhiều nông dân, điểm chính của mô hình nuôi cá trong ruộng là tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại hóa chất khác khi làm lúa; phải đảm bảo nguồn nước trong ruộng sạch thì mới nuôi được. Tuy mô hình đơn giản dễ thực hiện, nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ, thường xuyên kiểm tra cống, bọng, lưới bao xung quanh ruộng để hạn chế sinh vật ăn cá vào ruộng, đồng thời đảm bảo cho cá không thất thoát ra ngoài.
Với kinh nghiệm trên 13 năm nuôi cá ruộng lúa mùa lũ, ông Bùi Minh Quang ở ấp 3, xã Mỹ Thọ cho biết thêm: “Tôi có 2,5ha ruộng lúa kết hợp nuôi cá, thả tổng cộng 60 ký cá giống tùy theo kích cỡ, trong đó có cá mè vinh, chép, rô phi và cá mè trắng, sản lượng thu hoạch khoảng 1,2-1,5 tấn, thu nhập khoảng 35 triệu - 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 25 triệu - 30 triệu đồng. Qua nuôi cá trên ruộng lúa mùa lũ này, gia đình tôi giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định hơn”.
Tuy lợi nhuận từ nghề không lớn, nhưng đối với bà con nông dân đây cũng là một khoản thu nhập thêm cho gia đình trong lúc nhàn rỗi. Hiện tại trên địa bàn huyện có trên 1.100 ha diện tích mặt nước được người dân thả nuôi thủy sản trong mùa lũ, trong đó có 102 ha nuôi cá ruộng lúa mùa lũ, giảm 20 ha so với cùng kỳ năm 2013.
Bà Tăng Thị Ngọc Phương - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh cho biết: “Diện tích cá nuôi trên ruộng lúa trong mùa lũ này có giảm, tuy nhiên đây thật sự là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế do, cá sẽ sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên ruộng lúa, do đó giảm được chi phí thức ăn, hạn chế cỏ dại, giảm lượng thuốc trừ sâu trong vụ sau. Sắp tới, trạm kết hợp với các địa phương duy trì tốt mô hình nuôi này.
Đồng thời sẽ mở chương trình tập huấn cung cấp thêm kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa lũ cho người nuôi cá, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển”.
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Tuấn, chủ chiếc thuyền công suất 130CV ở phường Bình Hưng (Phan Thiết) cùng với 20 bạn thuyền xuất bến lúc 15 giờ. Dự kiến chuyến đi từ 5 - 7 ngày mới về. Thế nhưng đêm hôm ấy, sau khi phát hiện đàn nục lớn chưa từng có, chỉ một mẻ lưới thôi anh Tuấn đã có không dưới 10 tấn cá.

Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, ngoài táo, lê, nho từ Mỹ, Úc, New Zealand, trái cây Trung Quốc thì các loại trái như bòn bon, me, sầu riêng, nhãn… từ Thái Lan cũng chiếm một vị trí quan trọng trên các kệ hàng của tiểu thương. Trái cây Thái đang được nhập về số lượng ngày càng lớn.

Hộ chị Nguyễn Thanh Thúy ngụ ấp Tân Trong, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò được biết đến với mô hình nuôi rắn hổ hèo hiệu quả. Hiện đàn rắn của gia đình chị có trên 80 con, trong đó có khoảng 60 con có trọng lượng hơn 1,5kg. Ngoài ra, chị còn đang dưỡng một số rắn nhỏ và ấp trứng rắn để bán.

Khác với tâm trạng vui mừng các vụ sắn trước, năm nay ai cũng lắc đầu trước vụ sắn “đắng”. Ngoài nắng hạn kéo dài làm sắn giảm năng suất, thì bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng tiếp tục “đeo bám”. Hơn nữa giá sắn giảm mạnh làm cho người trồng khốn đốn.

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân huyện Long Mỹ tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích canh tác.