Cảnh giác với việc mua cá sấu non

Hiện giá cá sấu "non" đang ở mức từ 300.000 - 400.000 đồng/con tăng lên 700.000 - 800.000 đồng/con nhưng cũng không có hàng để bán.
Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.
Ông Đào Công Tâm (thị trấn Phước Long) lo lắng cho biết: “Mới đây, có một nhóm người lạ tìm đến nhà năn nỉ tôi bán cá sấu từ 2 - 7 kg. Nhưng tôi từ chối vì e ngại lại “dính bẫy” thương lái Trung Quốc như 2 năm trước”. Hiện nay, ông Tâm còn hơn 100 con cá sấu lứa từ 5 - 7 kg.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 1.594 hộ gây nuôi cá sấu với tổng đàn 169.092 con. Huyện Phước Long là địa phương nuôi cá sấu nhiều nhất tỉnh với số lượng 130.000 con.
Năm 2014, thấy nguồn lợi từ nuôi cá sấu khá lớn nên nhiều người dân ồ ạt phá bỏ chuồng gà, chuồng lợn, thậm chí vay tiền để đầu tư xây chuồng nuôi cá sấu. Tuy nhiên, ước mơ đổi đời chưa kịp thực hiện thì giá cá sấu giống tăng đột biến, nhiều hộ đành “treo chuồng” bởi nếu liều lĩnh thả nuôi sẽ bị lỗ vốn do chi phí rất cao.
Trong khi giá cá sấu "non" đang "làm mưa làm gió" thì những hộ nuôi cá sấu đến kỳ xuất bán lại "đứng ngồi không yên" vì giá cá sấu thương phẩm ngày càng tuột dốc, thậm chí không có người mua.
Hiện giá cá sấu thương phẩm chỉ ở mức 200.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Có hộ còn hơn 100 con cá sấu đến đợt xuất chuồng nhưng không tìm được thương lái để bán, nếu có thì bị ép giá.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: “Mặc dù Bạc Liêu là một trong những địa phương có lượng cá sấu nuôi nhiều so với cả nước, nhưng toàn tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp đứng ra thu mua cá sấu thịt và chỉ duy nhất trang trại Phương Tín (huyện Phước Long) được cấp giấy phép CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp).
Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường khoảng 60.000 con cá sấu giống, nhưng số lượng cá giống này vẫn không đủ cung cho người nuôi. Do nguồn cung không đủ và ham giá rẻ, không ít người nuôi đã đổ xô mua cá sấu giống tại các tỉnh lân cận hoặc tìm mua ở các thương lái bất chấp nguồn gốc, xuất xứ”.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, những ngày này, người nuôi không nên mua cá con vì đến đầu tháng 6 - tháng 7 dương lịch mới là mùa sinh sản của cá. Còn cá con thời điểm trước tháng 6 đa phần là cá “đẹt”, không phát triển. Nếu mua phải loại cá này, không những mất của lại còn mất công.
Để có sức “đề kháng” với những rủi ro, khi muốn đầu tư nuôi cá sấu nên đăng ký với Chi cục Kiểm lâm hoặc chính quyền địa phương để được bảo vệ quyền lợi một cách thích đáng.
Chăn nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là cá sấu giúp người dân phát triển kinh tế, thậm chí làm giàu. Tuy nhiên nếu không có quy hoạch mà phát triển ồ ạt, theo phong trào, không tính đến yếu tố thị trường thì hệ quả “trúng mùa, mất giá” và người sản xuất gánh chịu hậu quả là điều không tránh khỏi.
Do nguồn cung - cầu không ổn định, giá cả trồi sụt bất thường nên nghề nuôi cá sấu được xem là "canh bạc may rủi". Người sản xuất cần cảnh giác cao với việc lùng mua cá sấu ''non''. Từ thực tế này, các địa phương cũng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết và đề phòng.
Có thể bạn quan tâm

Chưa có năm nào diện tích nuôi thuỷ sản ở tinh Sóc Trăng lại tăng mạnh như năm nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2014 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60.000 ha trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha.

“Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng”, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo.

Tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Nông nghiệp năm 2014, do Bộ NN & PTNT tổ chức ngày 15/10/2014, ông Bùi Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đã trình bày một số khó khăn và kiến nghị của ngành nuôi tôm ở ĐBSCL. Trong đó, ông Huy kiến nghị không đưa quy định DN nuôi tôm phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất vào đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc nuôi chim trĩ thương phẩm đã được thực hiện ở một số địa phương trong nước, song ở Bình Định thì chưa phổ biến, chỉ một số ít hộ nuôi thử nghiệm, điển hình là gia trại nuôi chim trĩ của anh Bùi Văn Bảo, ở thôn Vạn Tín, xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân.

Đến thăm các bản: Hưng Phong, Nà Can, Nậm Tàng, Cốc Phát (xã Bản Bo) chúng tôi thấy nhiều hộ phát triển đàn lợn với số lượng lớn (khác với tập quán nuôi nhỏ lẻ, manh mún trước đây). Bà con đổi mới phương thức chăn nuôi từ thả rông sang xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt kết hợp với các biện pháp phòng dịch đầy đủ.