Cảnh Giác Thương Lái Mua Lá Khoai Lang

Chiều 5-3, ông Huỳnh Văn Quân, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Giá khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, từ 830.000 - 860.000 đồng/tạ, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300.000 - 350.000 đồng/tạ.
Mặc dù giá khoai lang xuất khẩu đang cao nhưng nông dân ở Vĩnh Long thu hoạch bị thất mùa, năng suất bình quân chỉ đạt 20 - 25 tạ/công, bằng 60% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nông dân vẫn đảm bảo lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Do giá khoai lang xuất khẩu dao động ở mức cao nên nhiều hộ ở Vĩnh Long, Đồng Tháp… sau khi thu hoạch lúa đông xuân đã ùn ùn xuống giống khoai lang.
Ông Quân lo ngại, giá cả khoai lang lên xuống thất thường, trong đó khoai lang tím Nhật vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Do đó, việc mở rộng quá nhiều diện tích khoai lang như hiện nay rất đáng lo. Bên cạnh đó, nhiều hộ quá lạm dụng khi bỏ lúa chuyển sang trồng khoai lang liên tục nhiều vụ liền đã khiến đất bị thoái hóa, làm giảm năng suất…
Trước tình hình thương lái Trung Quốc thu mua số lượng lớn lá khoai lang với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp cùng các ngành chức năng thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân không bán lá khoai lang cho thương lái Trung Quốc, bởi đây là hình thức kinh doanh bất thường.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân: “Dây và lá khoai sẽ hấp thụ dinh dưỡng để nuôi củ khoai lang trong suốt quá trình phát triển. Do đó nếu cắt lá khoai quá sớm thì củ khoai sẽ không thể lớn được, dẫn đến giảm năng suất. Chính vì thế, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân thận trọng không nên bán lá khoai lang trong giai đoạn trên”.
Ông Cao Văn Đắng, ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, quả quyết: “4 công khoai của tôi đã trồng được 3 tháng, còn khoảng 1,5 tháng nữa đến thu hoạch. Vì vậy thương lái Trung Quốc có mua lá với giá bao nhiêu cũng không bán, bởi ảnh hưởng tới năng suất khoai”.
Theo Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, cách nay khoảng 2 tuần có một số thương lái từ TPHCM xuống đây hỏi mua lá khoai lang xuất đi các nước. Tuy nhiên, hợp tác xã không đồng ý. Sau đó, họ thuê một số người địa phương đứng ra mua lá khoai lang của nông dân với giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg (tùy xấu tốt), rồi thuê người dân nông nhàn đi cắt lá với tiền công 100.000 đồng/ngày.
Mấy ngày nay họ đã thuê gần 180 người đi cắt lá khoai lang 2 đợt được khoảng 3,6 tấn lá, chở về một nhà máy ở TPHCM. Cái lạ của nhóm thương lái này là không đòi hỏi mua lá khoai lang non ở những ruộng đang phát triển, mà chủ yếu có lá khoai là được (nhưng không xấu quá). Chính vì vậy, nhiều “cò” đã chạy tìm những ruộng khoai sắp thu hoạch củ để xin lá hoặc mua giá rẻ.
Có thể bạn quan tâm

Có dịp đến huyện Đơn Dương hay TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gặp gỡ các hộ nông dân trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị mới thấy nghề này tuy cực nhưng mang đến cơ hội làm giàu cao. Các hộ nông dân ở đây trồng rau theo mô hình chuỗi cung ứng rau sạch tiêu chuẩn Metro Requirement về thực hành nông nghiệp tốt, có đầu ra và thu nhập ổn định.

Thời gian qua, mô hình nuôi bò là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả của nhiều bà con nông dân xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo - Tiền Giang).

Đó là khẳng định của ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận khi trao đổi với phóng viên về việc có hay không tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long tại cửa khẩu trong những ngày qua…

Nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Thạo ở ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên (Tiền Giang) chủ động xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, rớt giá", góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Số lượng nuôi ước tính khoảng 700 con nhím, 1.100 con lợn rừng, 50 con dúi, 15 con hươu sao, tập trung ở xã Đồng Tâm, An Bình, thị trấn Chi Nê (Hòa Bình). Trong đó nuôi lợn rừng, nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được người dân quan tâm nhân đàn, phát triển ra diện rộng.