Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Năng Suất Cao Vượt Trội

Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.
Bộ NN&PTNT, trong một báo cáo đưa ra tuần trước, cho biết năm 2014, năng suất lúa trung bình cả nước đạt 57,7 tạ/héc ta, còn năng suất trong cánh đồng mẫu lớn cao hơn 15 - 20% năng suất trung bình, tùy theo từng địa phương. Cụ thể, trả lời TBKTSG Online ngày hôm qua 12-1, ông Lê Thanh Tùng, Phó văn phòng Nam bộ của Cục Trồng trọt, mỗi héc ta tham gia cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn ở ngoài mô hình từ 8,6 - 11 tạ.
Bên cạnh ưu điểm về năng suất, một trong những mục tiêu mà Bộ NN&PTNT muốn xây dựng thông qua mô hình cánh đồng lớn là tạo ra các vùng nguyên liệu đặc thù để sản xuất một số giống lúa chất lượng nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu gạo cấp cao, qua đó bán được giá cao hơn.
Theo Cục Trồng trọt, hiện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quy hoạch và đang từng bước hình thành 5 vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, như cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine; cánh đồng lớn canh tác giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao như giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4218, OM 7347…; cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản theo chỉ dẫn địa lý của địa phương như giống Nàng thơm Chợ Đào, Một bụi đỏ, Tài Nguyên, VD 20, Nàng Hoa 9…
ĐBSCL là nơi có số địa phương tham gia cánh đồng lớn nhiều nhất. Cụ thể, trong năm 2014 các địa phương ĐBSCL thực hiện hơn 200.000 héc ta theo mô hình này; trong đó tỉnh Trà Vinh có hơn 69.000 héc ta, Tiền Giang gần 33.000 héc ta, Cần Thơ hơn 26.000 héc ta, và Sóc Trăng hơn 22.000 héc ta.
Các tỉnh phía Bắc có khoảng 700 vùng chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích tính đến hết năm 2014 là 27.500 héc ta; còn khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên là gần 16.820 héc ta.
Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1/3 số diện tích chuyên canh theo mô hình này được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Theo ông Tùng, “trong những cam kết hay hợp đồng bao tiêu đều có những quy định cụ thể về độ ẩm, tạp chất, chất lượng lúa cũng như thời gian mua bán lúa giữa hai bên, song trên thực tế, những cam kết này đã không được một trong hai bên thực hiện nên mới có trường hợp vào đầu vụ doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm nhưng cuối vụ lại không mua, buộc nông dân phải bán cho thương lái”.
Ông Tùng cũng cho rằng, về lý thuyết, chuyện các công ty không mua hết lúa của nông dân trong cánh đồng lớn chứng tỏ mục đích đặt ra của cánh đồng lớn chưa đạt được. Tuy nhiên, đây là những bước đầu và sẽ dần dần khắc phục được những hạn chế này.
“Theo tôi, không vì những hạn chế nói trên của cánh đồng lớn mà ai đó nói rằng mô hình này đã thất bại mà phải nhìn vào những cái được mà mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mang lại cho nông dân,” ông Tùng nói.
Có thể bạn quan tâm

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng 10.000 tấn cá nước lạnh (7.287 tấn cá tầm và 2.713 tấn cá hồi), đó là mục tiêu cơ bản của dự thảo Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020. Mục tiêu này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo góp ý Quy hoạch phát triển cá nước lạnh được tổ chức ngày 16/9/2014 tại Lâm Đồng

Để làm được một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện hoàn toàn lệ thuộc nước trời như ở Cà Mau là một sự nhẫn nại, nhạy bén và đầy tính sáng tạo của nông dân rất đáng trân trọng. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên mức độ thành công khác nhau, dẫn đến suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm từng người cũng khác nhau, khiến diện tích và bản đồ canh tác lúa trên đất tôm luôn biến động và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, phá vỡ quy hoạch, nhất là những năm thời tiết không thuận.

Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua ở Thanh Hoá, chăn nuôi các loại gia súc, như: Trâu, bò thịt, bò sữa, dê... để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa đang là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc thiếu vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia súc đang là một trong những nguyên nhân khiến khả năng sinh sản và cho thịt của con nuôi bị hạn chế.

Chi cục Bảo vệ thực vật tăng cường việc dự báo các đợt rầy nâu di trú để hướng dẫn nông dân xuống giống né rầy đồng loạt, tập trung; phấn đấu trong vụ lúa này có khoảng 90% diện tích gieo sạ được áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.