Cánh Đồng Lớn Của Thanh Long, Cao Su Và Lúa Trông... Nhà Đầu Tư !

Xây dựng những cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vạch ra kế hoạch mới đây với nội dung rất hấp dẫn, bởi giải quyết đúng vấn đề nông dân đang quan tâm. Đó là tiêu thụ nông sản ổn định thông qua hợp đồng... tuy nhiên, điều khó nhất là tìm được nhà đầu tư.
Cánh đồng lớn 3.000 ha và 6.500 ha
Hiện giá mủ cao su không cao, giá lúa có tăng nhưng không nổi bật; riêng giá thanh long đang tăng cao. Chưa nói việc tăng giá này đang ẩn chứa nhiều nguy cơ liên quan đến sản lượng thanh long sụt giảm, vì nấm trắng, vì sức khỏe cây trồng... nên dường như không mấy nhà vườn yên tâm.
Vì nông dân quá quen chuyện giá cả lên xuống, lúc lỗ lúc lời nên khi hỏi chuyện về kế hoạch xây dựng những cánh đồng lớn cho 3 loại cây trồng nổi bật ở tỉnh, họ đều vui mừng cho rằng, nếu làm được thì quá tốt.
Vì mục đích của cánh đồng lớn là hình thành các tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức nông dân để bảo đảm tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, làm tăng thu nhập và bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia.
Theo đó, việc chuyển giao và tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng GAP và phòng trừ dịch bệnh cây trồng sẽ giúp nông dân làm ra sản phẩm có tính cạnh tranh.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng những cánh đồng lớn với tổng diện tích 3.000 ha, trong đó lúa 1.450 ha, cao su 1.050 ha và thanh long 500 ha.
Giai đoạn tiếp theo 2021 – 2025, cánh đồng mẫu sẽ có diện tích 6.500 ha, cụ thể lúa sẽ chiếm 3.000 ha, cao su 2.000 ha và thanh long 1.500 ha. Theo đó, địa điểm thực hiện sẽ ưu tiên cho các huyện đã có vùng chuyên canh cây lúa, cây cao su như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; chuyên canh thanh long như Hàm Thuận Bắc; Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.
Vì cánh đồng lớn cần có quy mô diện tích lớn, nếu tính trên một dự án hoặc phương án, hợp đồng như với cây lúa, dạng sản xuất lúa thương phẩm sẽ từ 50 ha trở lên, còn sản xuất lúa giống cũng cần tối thiểu 20 ha hay sản xuất thanh long lẫn cao su cũng phải có diện tích ít nhất là 50 ha.
Nhiều ưu đãi và hỗ trợ
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ngoài yếu tố đạt diện tích lớn, cánh đồng lớn cũng phải đạt các tiêu chí như phù hợp với quy hoạch ngành nông nghiệp tại tỉnh thời kỳ 2011-2020, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết và có hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
Có thể liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân hay liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân. Ngoài ra, cũng có thể liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân hay liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân...
Chế độ ưu đãi đó là được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất; được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ; được hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn; được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng...
Không chỉ thế, còn được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương lẫn địa phương cùng các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua các chương trình, dự án trực tiếp hoặc lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan với yêu cầu lựa chọn chính sách hỗ trợ nào có lợi nhất cho doanh nghiệp. Dự tính, riêng ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các bên xây dựng cánh đồng lớn 14,92 tỷ đồng trong giai đoạn 2015- 2020 và 30,74 tỷ đồng cho giai đoạn 2021- 2025.
Cũng theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan và các huyện đã có vùng chuyên canh 3 cây trồng trên đã được phân công phối hợp thực hiện các công việc để mời gọi nhà đầu tư cũng như đẩy nhanh việc hình thành và triển khai cánh đồng lớn.
Hiện Công ty TNHH SX & TM Đại Nhật Phát đang chuẩn bị triển khai cánh đồng lớn ở Tánh Linh vào vụ đông xuân tới. Điều đáng lo là làm sao tìm được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để xây dựng những cánh đồng lớn tạo sự lan tỏa.
Có thể bạn quan tâm

Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2014-2015, hầu hết nông dân trong tỉnh đều phấn khởi khi cả hai vụ sản xuất trong năm 2014 đều đạt được những kết quả thuận lợi. Năng suất, sản lượng cây trồng tăng cao, giá cả ổn định (trừ giá mủ cao su xuống thấp hơn những năm trước) là tiền đề để nông dân tiếp tục đầu tư sản xuất thâm canh nâng cao năng suất cây trồng.

Xã Ia Bă từ lâu được xem là mảnh đất có nhiều tiềm năng trong việc nuôi cá nước ngọt theo hình thức quảng canh của huyện Ia Grai. Thời gian gần đây, mô hình này đang được Hội Nông dân địa phương dành nhiều sự quan tâm, nhằm giúp bà con tiếp tục sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống.

Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình; nhờ đó, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Qua quá trình khảo nghiệm, giống lúa Bắc thơm 7 kháng bạc lá mang đến cho nông hộ những mùa vàng năng suất, chất lượng cao. Rồi giống lạc L23 được phòng chuyên môn đề xuất với chính quyền địa phương bổ sung vào cơ cấu giống mới của huyện. Hay cách chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hình thức khép kín mang lại nhiều lợi ích kinh tế...

Hậu Giang đã và đang tập trung mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác thông qua các dự án ưu tiên mời gọi doanh nghiệp gần xa, trong đó có các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực nông nghiệp vốn có tại địa phương.