Cảnh Báo Tình Trạng Gấu Nuôi Chết Liên Tiếp Tại Quảng Ninh

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng kể từ tháng 11/2014 đến nay, đã có 12 cá thể gấu chết tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Trong đó, một trang trại tại đây đã để xảy ra tình trạng gấu chết hàng loạt trong cùng một ngày.
Đây là thông tin của Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Quảng Ninh công bố sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá sức khỏe sơ bộ gấu nuôi nhốt tại ba trang trại tại thành phố Hạ Long. Theo kết quả đánh giá, thực trạng tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh là đáng báo động với nhiều cá thể gấu còn lại có nhiều vết thương trên cơ thể, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đang bị bỏ đói.
Hầu hết 49 cá thể gấu mà Tổ chức Động vật Châu Á tiến hành khám đều suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng. Cụ thể, gấu nuôi nhốt đang trong tình trạng suy kiệt về sức khỏe. Toàn bộ 100% cá thể gấu bị sừng hóa ở lòng bàn chân, bàn tay do bị nhốt trong các chuồng có sàn là các thanh sắt. Đa số gấu có vết thương trên cơ thể (chiếm 77%), nhưng không được chữa trị. Một số vết thương đã biến chứng viêm chảy mủ, nhiễm trùng nặng.
Hơn một nửa số gấu (58%) bị căng thẳng hoặc bất ổn về thần kinh, có biểu hiện lặp đi lặp lại, hoặc đánh nhau với gấu ở chuồng bên cạnh. Nhiều cá thể gấu có vấn đề về răng miệng, một số còn bị cụt ít nhất một chi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và vận động. Nguy cơ tử vong đối với nhóm gấu này là rất cao, gây ra những hệ quả rất tiêu cực đối với công tác bảo tồn gấu.
Trong vòng hơn hai tháng kể từ khi đoàn chuyên gia xuống khám sức khỏe cho gấu, đã có 4 cá thể gấu chết tại trại của ông Nguyễn Trọng Bờ (phường Đại Yên, Hạ Long), và 8 cá thể gấu tại trang trại của ông Phùng Văn Hải (phường Hà Khẩu, Hạ Long). Thậm chí, có tới 4 cá thể gấu trong trại của ông Hải chết trong một buổi sáng (ngày 8/1). Điều này cũng đặt ra nhiều nghi vấn rằng liệu các chủ trại gấu có đang cố tình giết gấu với mục đích bán các bộ phận hay không.
Trước tình trạng này, Tổ chức Động vật Châu Á đã gửi 3 báo cáo tới Cục Kiểm Lâm, Bộ NN&PTNT, kiến nghị với các cơ quan chức năng sớm có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm thu hồi số gấu nói trên, đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam để chăm sóc, chữa trị.
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, chia sẻ: “Tổ chức Động vật Châu Á đã gửi nhiều báo cáo đến các cơ quan chức năng và hiện đang chờ chỉ đạo từ phía Chính phủ. Chúng tôi rất tôn trọng các quy trình liên quan, nhưng hành động khẩn cấp trong trường hợp này là vô cùng quan trọng đối với sự sống của gấu. Chỉ tính từ sau chuyến thăm khám của các chuyên gia Tổ chức Động vật Châu Á vào cuối năm ngoái, đã có thêm 8 cá thể gấu chết.”
“Chủ trại nuôi nhốt gấu trong những điều kiện rất tệ, không đạt các tiêu chuẩn được Nhà nước quy định. Các chủ nuôi gấu đang thể hiện rằng họ không có khả năng hoặc không còn muốn nuôi dưỡng các cá thể gấu này nữa. Nhưng Tổ chức Động vật Châu Á, vì mục đích nhân đạo và tôn trọng pháp luật, mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận tất cả các cá thể gấu này đưa về chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam”, TS. Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.

Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.

Giá muối SX thủ công tại Khánh Hoà hiện đang ở mức từ 650-800 ngàn đồng/tấn, tăng từ 50-100 ngàn đồng/tấn so với tháng trước.

Hàng ngàn tấn hành tây tích trữ tại Đà Lạt hiện tại không tìm được nơi tiêu thụ, có nguy cơ phải đổ bỏ số lượng lớn do thời tiết mưa ẩm kéo dài.

Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Thời gian gần đây, tình hình sâu đục thân gây hại cà phê trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là trên địa bàn TP Đà Lạt, đã tái phát và diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Tính đến cuối tháng 5/2014, tại các xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung của TP Đà Lạt đã có 440ha cà phê bị sâu đục thân gây hại.