Cảnh báo 3 giống mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống mắc ca có dấu hiệu lừa người nông dân khi khẳng định có nguồn cung cấp giống mắc ca ghép rất dồi dào, được nhập về từ Cty Vinamacca, Viện giống cây trồng Eakmat ở Đăk Lăk, sẵn sàng đáp ứng cho người mua với bất cứ số lượng nào.
Cảnh báo 3 giống mắc ca
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường đang có 3 loại giống cây mắc ca ghép không đảm bảo chất lượng.
Một là loại giống mắc ca không phải giống ghép. Cây giống chỉ có chiều cao từ mắt ghép xuống gốc là 40-60 cm. Cây ghép có chồi ghép đã liền vết sẹo, chồi ghép mọc cao 25-30 cm, có tối thiểu 2 thân chính trở lên.
Nhưng một số người bán cây giống không phải là cây ghép đã tạo ra vết ghép giả bằng cách cắt tạo ở thân cây một vết cắt hình dạng giống vết ghép. Để nhận biết cây ghép giả, bà con so sánh sẽ thấy lá ở dưới vết cắt và lá ở bên trên vết ghép giống nhau.
Hai là loại cây giống dùng cây thực sinh làm mắt ghép. Một số điểm ươm, bán cây giống không có cây đầu dòng đã dùng cành của cây thực sinh làm mắt ghép. Loại cây này năng suất thấp, thời gian cho thu hoạch trái rất chậm (phải từ 7 - 8 năm trở lên).
Ba là loại cây giống nguồn gốc không rõ ràng. Một số điểm bán giống không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép, đã mua cành của các vườn khác về ghép. Loại cây giống này, chủ vườn ươm không phân biệt được dòng cây mà vẫn đặt tên để bán.
Có những người khi bán lại nói nhập từ Úc, Mỹ, Trung Quốc hay Thái Lan. Đây cũng chính là loại cây giống mắc ca ghép được các chủ cơ sở kinh doanh rao bán rộng rãi nhất.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Tùng, Giám đốc Cty Vinamacca Đăk Lăk cho biết: Trong năm 2014, Cty Vinamacca có triển khai 2 đại lý bán cây giống mắc ca tại huyện Lâm Hà, với số lượng nhỏ chỉ 3.000 cây.
Tuy nhiên, trong năm 2015 này thì Cty không có bất cứ điểm chuyển giao cây giống nào, cũng như không bán ra bất cứ một sản phẩm cây ghép nào tại tỉnh Lâm Đồng.
Do đó, việc một số cơ sở kinh doanh cây giống mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng đưa ra thông tin nhập sản phẩm cây giống của Cty Vinamacca Đăk Lăk, cung cấp cho người dân là hoàn toàn sai sự thật.
Ông Tùng cho rằng, khi mua cây mắc ca giống bà con nên lưu ý không mua giống ở những cơ sở mà không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép, nếu có nhập về cũng không biết đó là dòng nào.
Không nên mua cây ghép có mắt ghép cao cách mặt bầu 50 cm trở lên vì cây cao không chịu được gió bão, lại ít cành ngang, cho năng suất thấp. Không nên mua cây có tuổi gốc ghép quá 24 tháng hoặc thân to trên 10 mm, vì như vậy gốc ghép đã già, rễ cọc to, dài, xoắn đáy dưới bầu ươm.
Trong trường hợp này, khi đem trồng người ta phải cắt dưới đáy bầu ươm, tức là cắt mất rễ cọc đi, do đó, rễ cọc không thể tái sinh, phát triển bình thường được, dẫn đến cây rất dễ bị ngã đổ, không chịu được gió bão, mưa dầm, hạn hán.
Phải mạnh tay với giống lậu
Ông Nguyễn Văn Hạnh, chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: Toàn huyện Lâm Hà có tổng cộng 22 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây cà phê và cây ăn quả; chưa có vườn ươm giống mắc ca.
Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiến hành lập đoàn kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống trên địa bàn huyện.
Nếu phát hiện đơn vị nào có sản xuất cây giống mắc ca cũng như nhập cây mắc ca ghép về mà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì chúng tôi sẽ tiến hành tịch thu, tiêu hủy, đồng thời có thông báo rộng rãi danh tính cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Chung quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết: Đối với những cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống, nếu muốn chuyển qua kinh doanh mắc ca phải được Sở NN-PTNT trực tiếp cấp phép.
Các cơ sở sản xuất và kinh doanh phải tự công bố rộng rãi về các tiêu chuẩn, chỉ tiêu chất lượng như tuổi cây, chiều cao, đường kính chồi, kích thước bầu ghép, giống và dòng, trước khi xuất bán cho người mua, không được tự ý thực hiện việc lấy giống nhân giống.
Nếu cơ sở nào vi phạm thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay, hoặc rút hẳn giấy phép, có như vậy khâu quản lí chất lượng cây giống mới được thực hiện tốt ngay từ vườn ươm.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

Các mô hình trồng rừng để phát triển kinh tế cũng được quan tâm. Điển hình là mô hình thâm canh cây gỗ lớn, như: xoan, lát tại xã Mường Lý với quy mô 8 ha, có 16 hộ gia đình tham gia. Qua kiểm tra sơ bộ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 85 đến 90%...

Theo hướng dẫn lịch thời vụ, vụ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm gần kề, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân xả nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để cải tạo đất ngay từ đầu mùa mưa. Độ mặn trong ruộng cần ổn định ở mức dưới 2%o trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy.

Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).