Cảng Cá Quy Nhơn Quá Tải Nghiêm Trọng

Thời gian gần đây, cảng cá Quy Nhơn luôn ở trong tình trạng quá tải, khiến cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ…
Trong các năm 2001- 2003, tỉnh ta đã đầu tư khoảng 8,5 tỉ đồng nâng cấp bến đò Hàm Tử thành cảng cá Quy Nhơn. Năm 2003, dự án xây dựng cảng cá Quy Nhơn hoàn thành với các hạng mục gồm bến cầu tàu, cầu chính dài 110 m, cầu dẫn 80 m… Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp cảng cá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ sau một thời gian ngắn, cảng cá này lại quá tải.
Chiếc áo đã chật
Năm 2007, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, tỉnh ta tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá Quy Nhơn, gồm nạo vét vũng đậu tàu diện tích 3 ha; xây dựng bến liền bờ dài 315 m, lắp đặt 24 trụ neo tàu trên bến liền bờ; kè bảo vệ bờ dài 120 m; nhà tiếp nhận hàng có diện tích 4.000 m2; đường nội bộ, bãi để xe, hệ thống cấp-thoát nước; hệ thống phòng cháy chữa cháy và hệ thống điện…
Đầu năm 2012, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhờ hạ tầng cảng cá Quy Nhơn được xây dựng khá hoàn thiện, tàu thuyền và các loại phương tiện khác ra vào cảng ngày càng đông đúc, hoạt động mua bán thủy hải sản diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
BQL Cảng cá Quy Nhơn phối hợp với ngành chức năng sắp xếp chỗ neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cảng cá.
Song, chiếc áo mới của cảng cá này chỉ sử dụng vài năm là đã bị chật. Theo phản ánh của ngư dân, hiện nay tàu thuyền ra vào cảng cá gặp rất nhiều khó khăn; việc neo đậu tàu thuyền để bán sản phẩm và lấy tổn để mở chuyến biển mới cũng không phải là chuyện dễ. Có mặt tại cảng cá Quy Nhơn vào thời điểm này, chúng tôi thấy rõ sự chật chội của cảng cá. Trong vũng neo đậu, tàu cá neo đậu ken dày; ngoài luồng ra vào cảng cá còn rất nhiều tàu của ngư dân không vào được phía trong cảng cá để bán sản phẩm.
Ông Ngô Văn Chí, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tàu cá BV 6141 TS, cho biết: Cơ sở hạ tầng cảng cá Quy Nhơn khá tốt, hoạt động thu mua sản phẩm diễn ra cả ngày lẫn đêm; việc tiếp tế nhiên liệu, mua lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho tàu cá ra khơi cũng rất thuận lợi, nên tôi thường xuyên cập cảng này để bán sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây luồng lạch ra vào cảng cá bị thu hẹp, tàu thuyền khó ra vào. Khu neo đậu tàu thuyền cũng quá chật hẹp, có ngày tàu của tôi không vào được, nên việc bán sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Thanh - ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, chủ 2 tàu cá BĐ 96624 TS và BĐ 95742 TS - bức xúc: 2 tàu cá của tui về cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm, nhưng chỉ một tàu vào được, còn một tàu phải neo đậu phía ngoài vì trong cảng cá không còn chỗ trống. Cảng chật hẹp, tàu thuyền nhiều, nên việc di chuyển và neo đậu tàu trong cảng cũng không dễ chút nào. Tình trạng tranh giành chỗ neo đậu tàu cá đã xảy ra giữa ngư dân. Trường hợp xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó xử lý vì tàu cá đậu rất sát nhau, nên chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn khi tàu neo đậu ở cảng cá Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Văn Bốn, ngư dân ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), tâm sự: Ngoài khơi, khi chúng tôi đánh được cá là tức tốc vào bờ ngay để giữ cho sản phẩm được tươi, bán được giá và có thời gian trở lại biển sớm hơn. Thế nhưng khi vào bờ lại phải chờ đợi, phần lo cá ươn, phần sợ cá vào nhiều bị ép giá nên rất sốt ruột. Nhiều khi tàu về cảng cá Quy Nhơn, nhưng không vào được đành chạy đi nơi khác để bán sản phẩm, rất mất thời gian, tốn kém và ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.
Khó giải quyết
Cảng cá Quy Nhơn có vai trò vừa là nơi phục vụ hậu cần nghề cá, vừa là đầu mối giao thông đường thủy giữa TP Quy Nhơn với các xã đảo. Đây còn là khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, khi cảng cá quá tải, các hoạt động nói trên sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Cảng cá Quy Nhơn, từ khi Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn xây dựng cầu cảng, bao bọc gần như toàn bộ cảng cá, làm cho diện tích mặt nước trong cảng cá bị thu hẹp, tình trạng quá tải đã xảy ra. Luồng lạch ra vào cũng không còn thông thoáng như trước, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn khi ra vào, neo đậu bán sản phẩm và lấy tổn. Nhiều tàu cá không cập trực tiếp vào cầu cảng được mà phải cập vào mạn tàu khác, làm cho việc lên xuống hàng hóa rất vất vả và mất an toàn... Có nhiều tàu phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ mới chuyển được sản phẩm lên bờ, nên ngư dân rất bức xúc.
Cũng theo ông Đào Xuân Thiện: Cảng cá quá tải đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, như sự tranh giành cập cầu, giành nhau chỗ neo đậu… Công tác phục vụ của BQL cũng gặp rất nhiều trở ngại, nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự và việc đảm bảo an toàn cho tàu cá của ngư dân.
Đề cập đến giải pháp giải quyết tình trạng quá tải cảng cá Quy Nhơn hiện nay, ông Đào Xuân Thiện lắc đầu nói: “Việc giải quyết tình trạng quá tải hiện nay vượt quá khả năng của chúng tôi”. Còn ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo BQL Cảng cá Quy Nhơn tiếp tục phối hợp ngành chức năng triển khai các biện pháp an toàn tàu cá cho ngư dân, giữ gìn an ninh trật tự khu vực cảng cá; đồng thời báo cáo thực trạng nói trên cho UBND tỉnh để tỉnh xem xét, chỉ đạo”.
Có thể bạn quan tâm

Cứ mỗi mùa se se gió bấc, khi những cây me chua đất và những nương trồng ném (còn được gọi là hành tăm) đã lên xanh tốt, thì cũng là lúc vào mùa cá cháo (hay còn gọi là cá khoai). Vụ cá cháo năm nay được mùa, những chiếc thuyền nan đầy ắp cá cập bờ, mang lại niềm vui cho nhiều ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài là nguyên nhân có thể làm cho nhiều loài cá bị chết ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Ngành chức năng và các địa phương đã và đang tăng cường chỉ đạo người dân chống rét nhằm giảm thiểu những thiệt hại do rét gây ra.

Hội thảo báo cáo hiệu quả mô hình nuôi tôm nước đứng của hộ ông Đoàn Thành Công ở xã Đất Mới và mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của hộ ông Nguyễn Tấn Thành, ở xã Hàm Rồng. 2 mô hình trên cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng một năm.

Ngày 10/12/2013, tại Việt Nam, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đã tổ chức 1 buổi hội thảo trực tuyến “Hội chứng tôm chết sớm (EMS): Quản lý dịch bệnh gây tôm chết hàng loạt. Hội thảo có phần trình bày của Chủ tịch GAA, Giáo sư George Chamberlain và trả lời hỏi đáp của Giáo sư Donald Lightner từ Đại học Arizona (Hoa Kỳ) về EMS.

Từ năm ngoái cho đến nửa năm nay, giá heo ở mức thấp dưới giá thành, người nuôi lỗ nặng nên nhiều người bỏ trại, giảm đàn mạnh. Tuy nhiên, gần đây, giá heo bắt đầu tăng mạnh, người chăn nuôi đang có mức lãi khá cao. Nhiều người chăn nuôi heo đã mạnh dạn tái đàn, tăng đàn trở lại.