Cần xây dựng thương hiệu mật ong hoa nhãn Hưng Yên

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 3.000ha diện tích trồng nhãn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Những năm gần đây, để phát triển nghề nuôi ong, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng tuyên truyền mở các lớp tập huấn cho người dân về đặc điểm sinh học, kỹ thuật nuôi dưỡng, quản lý đàn ong theo mùa vụ và phòng trị các bệnh lý trên ong...
Nhiều hộ gia đình thấy được tiềm năng từ nghề nuôi ong lấy mật đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua ong giống, làm chuồng trại, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, lấy đây làm nghề mang lại thu nhập chính, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Hiện nay, không có thống kê đầy đủ về số lượng người nuôi và số đàn ong trên địa bàn tỉnh nhưng theo Hội Làm vườn và Nuôi ong Hưng Yên, vào mùa hoa nhãn nở rộ, toàn tỉnh thu hút hàng chục nghìn đàn ong của hàng trăm người nuôi về khai thác mật hoa nhãn. Nuôi ong tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Lợi nhuận bình quân thu từ một đàn ong là 2,5 triệu đồng/đàn ong ngoại/năm và 1,2 triệu đồng/đàn ong nội/năm.
Ở Hưng Yên, ong được nuôi tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh. Hiện nay, người dân chủ yếu nuôi hai giống ong là ong nội và ong Ý. Những năm gần đây, nghề nuôi ong có xu hướng tăng cả về số lượng đàn và sản lượng mật. Mật ong hoa nhãn được coi là một trong những đặc sản của tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản phẩm mật ong hoa nhãn được làm ra và bán trên thị trường chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, mập mờ về chất lượng, giá cả so với các loại mật ong khác.
Gia đình ông Lã Quang Khẩn ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) bắt đầu nuôi ong từ cách đây hơn 10 năm. Khởi nghiệp từ vài đàn ong, sau đó ông nhân giống. Đến nay gia đình có trên 200 đàn ong giống ong nội, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Khẩn cho biết: “Để duy trì đàn ong, hàng năm tôi phải đưa đàn ong đi rong ruổi khắp nơi để lấy mật. Mùa xuân, ong thường đi hút mật hoa vải, hoa nhãn; mùa hè ong chủ yếu hút mật hoa keo, bạch đàn, hoa sim, hoa mua; mùa đông là hoa cà phê, cao su, táo, đay… Trong đó, mật ong lấy từ hoa nhãn cho chất lượng tốt nhất, được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao hơn cả. Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất và bán ra thị trường khoảng 1 tấn mật ong hoa nhãn, bán với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.
Từ lâu, việc xây dựng được thương hiệu mật ong hoa nhãn là điều mong ước của tôi và những người nuôi ong ở Hưng Yên. Khi mật ong hoa nhãn có thương hiệu, chất lượng mật ong hoa nhãn được bảo đảm, hàng năm cứ đến mùa, khách hàng sẽ đặt mua với giá cao hơn, ổn định hơn”.
Cùng với thành phố Hưng Yên, Khoái Châu cũng là địa phương có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh. Vào mùa hoa nhãn nở rộ, huyện thu hút hàng chục trại ong của các chủ nuôi ong ở trong và ngoài tỉnh về khai thác mật. Anh Nguyễn Văn An ở Thái Nguyên, chủ một trại ong về khai thác mật hoa nhãn ở Khoái Châu cho biết: “Năm nay là năm thứ 9 tôi đưa đàn ong về Khoái Châu để “đánh” mật hoa nhãn. Về đây, chính quyền và người dân địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi khai thác mật hoa nhãn.
Với 350 đàn ong Ý, năm nay sản lượng mật hoa nhãn tôi thu được đạt trên 4 tấn. Mặc dù thị trường đầu ra của mật ong hoa nhãn hiện tại rất tốt nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa, chưa xuất khẩu nhiều nên giá bán mật còn bấp bênh, bị tư thương ép giá. Nếu thương hiệu mật ong hoa nhãn được xây dựng thì sản phẩm mật ong hoa nhãn của chúng tôi sẽ được người dân ở nhiều nơi biết đến, từ đó sẽ bán dễ hơn, giá thành cũng cao hơn”.
Giá mật ong hoa nhãn bán lẻ tại thời điểm này là 90.000 – 95.000 đồng/kg mật đối với giống ong ngoại và từ 120.000 – 150.000 đồng/kg mật đối với giống ong nội. Vì lợi nhuận, một số người sản xuất, kinh doanh đã dùng kỹ thuật tinh vi để “treo đầu dê, bán thịt chó”, làm giả mật ong hoa nhãn.
Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hội Làm vườn và Nuôi ong Hưng Yên: “Mật ong hoa nhãn mang hương vị đặc trưng riêng, từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng. Nhiều khách du lịch cũng thường tìm mua sản phẩm này làm quà biếu cho bạn bè, người thân. So với những loại mật ong khác, mật ong hoa nhãn được ưa chuộng hơn cả và thường có giá cao hơn từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Vì chênh lệch giá trị lớn nên một số người kinh doanh đã làm nhái mật ong hoa nhãn để bán cho khách hàng.
Để phân biệt mật ong hoa nhãn với các loại mật ong khác, người tiêu dùng cần lưu ý những đặc điểm sau: mật ong hoa nhãn có mùi vị thơm, ngon đặc trưng, vị ngọt tự nhiên; màu sắc mật trong gần giống như màu hổ phách; độ kết dính, độ đặc của mật phải bảo đảm từ khoảng 20% trở xuống… Tiềm năng từ nghề nuôi ong lấy mật của tỉnh là rất lớn nhưng nhiều hộ gia đình nuôi ong vẫn lo lắng về giá thành và đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, nếu sản phẩm này được đăng kí công nhận thương hiệu sẽ tạo động lực lớn cho người dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật, chất lượng mật ong hoa nhãn cũng được nâng lên”, ông Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Người dân Đà Lạt đành phải bấm bụng chặt bỏ cây đặc sản có một không hai ở Việt Nam.

Thông tin về tình hình sản xuất tiêu thụ cá tra, đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam (VNPA) cho biết, khối lượng hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra trong hai quý cuối năm tăng mạnh so với hai quý đầu năm.

Xuất khẩu tiểu ngạch qua Lào Cai đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước. Tuy nhiên, do còn có sự khác biệt lớn về chính sách quản lý biên mậu giữa đôi bên nên các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tiểu ngạch qua Lào Cai hoạt động rất “phập phù”.

Đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trái cây là sản phẩm thường xuyên bị mất giá tại thị trường nội địa, nhất là khi vào chính vụ.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sau gần 5 năm xây dựng, xã Đông Thạnh (huyện Châu Thành) đã về đích nông thôn mới đúng hẹn.