Cẩn trọng với cây hồ tiêu

Năm 2013, toàn tỉnh Bình Phước có hơn 11.000ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 8.820ha. Đến tháng 6-2015, diện tích cây tiêu ở Bình Phước đã tăng thêm hơn 2.000ha. Hiện nay, người dân các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản… đang đổ xô phá bỏ vườn cao su, điều, cà phê để trồng hồ tiêu. Không thua kém tỉnh Bình Phước, trong thời gian đầu mùa mưa này, nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũng tranh thủ xuống trụ trồng hồ tiêu. Ước tính diện tích canh tác loại cây trồng có vị cay nồng này ở 3 địa phương nói trên khoảng 30.000ha.
Theo tính toán của lão nông Trần Văn Thìn (74 tuổi), ngụ xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), người có thâm niên 20 năm trồng tiêu, với mức giá khoảng 200.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hécta hồ tiêu đạt lợi nhuận 600 - 700 triệu đồng/năm. Với điều, cao su và một số cây trồng lâu năm khác, nếu được mùa, được giá cũng chỉ lãi 60 - 80 triệu đồng/ha, còn mất mùa kèm thêm mất giá thì chỉ hòa vốn.
Chính vì lẽ đó, nhiều nông dân ở các xã Bù Gia Mập, Đăk Ơ, Long Hà, Long Tân (huyện Bù Gia Mập), vùng biên giới của tỉnh Bình Phước, hầu như đã chuyển toàn bộ diện tích cao su, cà phê, điều đang cho thu hoạch sang trồng tiêu, thậm chí còn mở rộng đất bìa rừng, suối để trồng tiêu.
Ở địa phương lân cận, nông dân tỉnh Bình Dương khá gắn bó với cây cao su trong suốt thời gian dài, nay thay nhau đốn hạ cao su để trồng hồ tiêu. Trên đường liên huyện khu vực xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một vài hộ dân tại đây cắt ngang những vườn cây cao su đã 10 năm tuổi, chừa lại khoảng 3m thân cây để làm trụ tiêu. Khắp các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên… những trụ hồ tiêu thay nhau vươn mình trên những diện tích cao su vừa đổ xuống.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, để trồng 1ha hồ tiêu, bà con nông dân phải bỏ ra chi phí khoảng 600 triệu đồng (gồm chi phí xuống trụ, giống, phân bón…), chưa kể khoảng thời gian trên 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch. Và như vậy, cây tiêu chưa bao giờ là loại cây dễ trồng. Nếu các hộ gia đình gom hết vốn liếng trong nhà để trồng cây tiêu, khi bị bệnh không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, bên cạnh những hộ sẵn vốn đầu tư trồng hồ tiêu, cũng có nhiều hộ khó khăn, nhưng bị lóa mắt bởi giá tiêu tăng cao nên sẵn sàng vay vốn ngân hàng, người thân, bạn bè với lãi suất cao để theo đuổi “giấc mộng” làm giàu.
Ông Hoàng Văn Ngọc, ở xã Lộc An (huyện Lộc Ninh), vùng “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Bình Phước cho biết, đầu năm 2012, ông vay ngân hàng gần 400 triệu đồng và cưa bỏ gần 1ha điều để trồng tiêu. Thời gian đầu, cây tiêu phát triển rất nhanh, nhưng sau Tết Ất Mùi, gần nửa số nọc tiêu nhiễm bệnh và lan rất nhanh sang những cây khác. Giờ thì chuyện làm giàu từ cây hồ tiêu của gia đình ông coi như đã vỡ vụn. Ông Ngọc khẳng định: “Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên vườn hồ tiêu của gia đình hiện đang chết dần, nợ ngân hàng không biết lúc nào trả được”.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, hồ tiêu không phải là loại cây trồng ưu tiên. Vì theo nghiên cứu, cây này không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Dương; cho năng suất thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Trồng cây hồ tiêu ở Bình Dương xưa nay chỉ là tự phát theo kiểu phong trào chứ không hề theo quy hoạch, định hướng nào của cơ quan quản lý nhà nước. Ở vùng Đông Nam bộ hiện nay, bà con nông dân chạy theo thị trường, chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu là không nên. Điều này dễ mang lại những hậu quả khó lường về sau.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 23 tháng Chạp đang đến gần, các trại giống đang tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới vây bắt cá chép để phục vụ lễ cúng tiễn ông Táo về trời.

Thiên nhiên thật hào phóng, ban tặng cho người dân ở vùng châu thổ Mê Kông một loài cá quý có tên là bông lau (loài hoa trắng). Cá thuộc loại da trơn, thịt trắng, thơm ngon. Giới sành điệu gọi là “đệ nhất da trơn” vì có giá trị cao gấp 10 lần cá tra. Hằng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, cơn gió chướng bắt đầu thổi, là lúc người dân trong vùng bước vào mùa đánh bắt.

Là huyện trung du miền núi thấp, trừ một số ít xã nằm dọc đôi bờ sông Lam, đất Thanh Chương (Nghệ An) là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, dưới tán mít, đồi cọ trải dài, những chú gà thơ thẩn kiếm ăn đã làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn - gà đồi Thanh Chương, góp thêm một món ăn độc đáo của vùng đất này ngoài quả tro, nhút mít.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 28.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó hơn 10.500 điểm giết mổ không được giám sát, kiểm soát của cơ quan thú y.

Ngày 20-1, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại xuất sắc đối với đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”. Đề tài do Thạc sỹ Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm.