Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Tìm Đầu Ra Ổn Định Cho Nhím

Cần Tìm Đầu Ra Ổn Định Cho Nhím
Ngày đăng: 04/03/2014

Nhím là động vật hoang dã, sức đề kháng rất cao, ít bệnh, dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mô hình nuôi nhím của các hộ dân trên địa bàn tỉnh bị chựng lại do giá nhím thịt và nhím giống đều rớt xuống thấp. Nguyên nhân chủ yếu bởi tình trạng “cung vượt cầu”, người dân ồ ạt nuôi trong khi chưa tìm được thị trường.

Ông Bùi Thiện Phước, nông dân ấp Long Định (xã Long Kiến, Chợ Mới - An Giang), có kinh nghiệm trên 10 năm nuôi nhím, cho biết: “Nhím rất dễ nuôi, thức ăn của chúng dễ kiếm, chủ yếu là những loại rau, củ, quả như xoài, mận, ổi, bắp cải,… những phế phẩm ở chợ thì chúng đều ăn được”.

Buổi sáng, chỉ cần vệ sinh chuồng trại, đến khoảng 3 giờ chiều thì cho nhím ăn, mỗi ngày cho ăn một lần là đủ. Nhím thuộc loài gặm nhấm nên đa phần là ăn về đêm.

Với kinh nghiệm nuôi nhím lâu năm, ông Phước chia sẻ: “Khi cho nhím ăn thì tránh những thức ăn ôi thiu vì chúng sẽ bị tiêu chảy nếu ăn những thức ăn này”. Bà Tạ Thị Diễm (vợ ông Phước), tiếp lời chồng: “Không giống như nuôi heo hay những con vật khác phải đỡ đẻ, nhím rất dễ nuôi, có khi sáng ra thấy có nhím con xuất hiện trong chuồng mới biết là nó đẻ”.

Nhím con mới đẻ sẽ bú sữa mẹ, sau khoảng một tuần thì cho ăn dặm thêm những loại rau củ khác. Nếu tách nhím con càng sớm - thì nhím mẹ càng mau đẻ lứa tiếp theo.

Thời gian tách bầy tốt nhất là từ 2,5 tháng đến 3 tháng. Nhím con được nuôi từ 18 tháng đến 20 tháng thì có thể đẻ lứa đầu tiên. Mỗi năm, nhím trưởng thành đẻ từ 2-3 lứa, mỗi lứa 2-3 con, thông thường nhất là 2 con (1 con đực, 1 con cái).

Nếu cho ăn đầy đủ thì trong năm đầu tiên nhím có thể đạt trọng lượng từ 9kg đến 10kg. Năm đầu sẽ là thời gian tăng trưởng nhanh nhất của nhím, từ khoảng năm thứ hai trở đi tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, trọng lượng tối đa có thể đạt khoảng 20kg với nhím trưởng thành.

Trước khi bắt đầu nuôi nhím, ông Phước cũng lân la đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình ở Hóc Môn, An Lạc (TP. Hồ Chí Minh), Tây Ninh… về cách làm chuồng, cách cho ăn, phòng bệnh.

Ông Phước nhớ lại thời hoàng kim: “Khoảng 5 năm về trước, nhím đẻ ra không đủ cung cấp, nhím con khoảng 3 tháng mới xuất chuồng thì khoảng 2,5 tháng là có người đến bắt rồi, đó là chưa kể việc đặt cọc, điện thoại đặt hàng. Mà giá nhím giống lúc đó rất cao, mỗi cặp có giá từ 17 - 18 triệu đồng”.

Giờ thì đã qua cái thời “thịnh” rồi, hiện nay, giá nhím giống chỉ từ 3 - 4 triệu đồng/cặp. Mỗi năm, ông Phước bán được từ 8 - 9 cặp nhím, đó cũng là phần thu nhập đáng kể cho gia đình vì rất nhẹ công chăm sóc, không tốn nhiều chi phí nên có thể nói thu lãi 100%.

Gia đình ông Phước chủ yếu cung cấp nhím giống cho các hộ dân trong tỉnh, người dân ngoài tỉnh như Cần Thơ, Vĩnh Long… cũng tìm đến mua. Hiện chuồng nhím của ông phước có 12 con, với 6 cặp, phân chia trong các chuồng. Chuồng của chúng cũng được xây dựng khá đơn giản, chiều dài 2m, ngang khoảng 1,2m, thả nuôi từ 2 - 3 con đều được.

Nhím đề kháng bệnh rất cao, nuôi hơn 10 năm nay nhưng đàn nhím của ông Phước chưa từng mắc bất kỳ loại bệnh nào. Nhưng với kinh nghiệm được học hỏi từ việc tham quan các mô hình, thông thường, nhím chỉ mắc 2 căn bệnh: Tiêu chảy và ghẻ.

Tuy nhiên, cũng rất dễ chữa bằng những phương pháp dân gian. “Nếu nhím bị tiêu chảy thì chỉ cần cho ăn vỏ trái cây có vị chát, như: Vú sữa, măng cục, ổi non… còn ghẻ thì chúng sẽ tự dùng lưỡi liếm một thời gian ngắn sẽ hết” - ông Phước chia sẻ.

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, do nhiều hộ dân ồ ạt đổ xô nuôi nhím, lại không tìm được thị trường tiêu thụ, đầu ra bấp bênh, từ đó nhím rớt giá nhanh chóng.

Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho tình hình nuôi nhím trên địa bàn tỉnh đang dần thu hẹp về số lượng và quy mô. Dự đoán trong những năm tới, nếu vẫn không tìm được đầu ra ổn định thì mô hình nuôi nhím sẽ khó có thể phát triển trở lại”.


Có thể bạn quan tâm

Giá Nhãn Tăng Trở Lại Giá Nhãn Tăng Trở Lại

Mặt dù giá nhãn tăng cao trở lại, nhưng trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện chỉ có khoảng 150/330ha nhãn đang cho trái, tập trung ở các xã ven quốc lộ 30, nên lượng nhãn cung cấp ra thị trường vẫn không nhiều.

07/05/2014
Hiệu Quả Của Một Tổ Hợp Tác Bưởi Da Xanh Hiệu Quả Của Một Tổ Hợp Tác Bưởi Da Xanh

Tổ hợp tác (THT) sản xuất bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn - Châu Thành - Bến Tre) là một trong những tổ đầu tiên trong huyện được cấp chứng nhận VietGAp với 18 hộ, diện tích 8,5ha.

07/05/2014
Xử Phạt Các Hộ Trồng Thanh Long Trên Ruộng Lúa Xử Phạt Các Hộ Trồng Thanh Long Trên Ruộng Lúa

Hàm Hiệp được coi là “cái nôi” thanh long của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Người dân nơi đây hàng năm không chỉ tăng về diện tích thanh long, mà còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng chương trình VietGAP.

07/05/2014
Trồng Chuối “Lấy Ngắn Nuôi Dài”, Nhưng Hiệu Quả Kinh Tế Rất Cao Trồng Chuối “Lấy Ngắn Nuôi Dài”, Nhưng Hiệu Quả Kinh Tế Rất Cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, hiện nay chưa thể thống kê được tổng diện tích trồng chuối của nông dân trên địa bàn tỉnh cụ thể là bao nhiêu. Vì có nhiều nguyên nhân, trong đó căn bản nhất là chưa có nông dân nào quy hoạch vườn để trồng chuối theo hình thức chuyên canh (trừ chuối xuất khẩu ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú).

07/05/2014
Liên Kết Trồng Hoa, Cây Cảnh Liên Kết Trồng Hoa, Cây Cảnh

Để giúp làng nghề trồng hoa, cây cảnh xóm Phạm Tăng phát triển bền vững, Hội nông dân (ND) xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định đã thành lập câu lạc bộ trồng hoa, cây cảnh.

08/05/2014