Trang chủ / Cây lương thực / Trồng ngô

Cần Thay Đổi Phương Thức Gieo Trồng Ngô

Cần Thay Đổi Phương Thức Gieo Trồng Ngô
Ngày đăng: 26/04/2014

Hiện nay diện tích ngô ở Nghệ An hằng năm khoảng 60-70 nghìn ha. Trong đó diện tích ngô vụ xuân chiếm trên dưới 16.000ha, ngô hè trên 12.000ha bố trí chủ yếu trên các chân đất bãi ven sông. Mặc dù không chiếm ưu thế về diện tích nhưng đây là vùng ngô tập trung làm hàng hoá của Nghệ An.

Năng suất ngô hiện nay được nâng lên rất đáng kể so với nhiều năm trước đây (chủ yếu nhờ áp dụng giống mới). Ngô xuân từ năng suất bình quân 38,47 tạ/ha năm 2003 đã lên tới 45,86tạ/ha năm 2007; ngô hè thu từ 22,70tạ/ha năm 2003 lên 26,04tạ/ha năm 2007. Tuy nhiên năng suất ngô hiện còn quá thấp so với tiềm năng của giống và điều kiện đất đai.

Nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất ngô hiện nay nói riêng và cây trồng khác nói chung là vấn đề trách nhiệm của tất cả chúng ta. Trong đó, đòi hỏi mỗi cán bộ nông nghiệp từ mỗi địa phương đến tỉnh cần phải luôn luôn nghĩ và tìm ra câu trả lời làm thế nào để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất ngô nói riêng và phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung!

Hiện nay ở Nghệ An cũng như nhiều địa phương trong cả nước ngô thường được các nhà sản xuất, cung ứng giống ngô khuyến cáo trồng với mật độ: 70cm x 25cm hoặc 75cm x 20cm và gieo mỗi hốc 1 hạt. Mật độ gieo trồng trên hiện nay được áp dụng khá phổ biến và cùng với áp dụng giống mới là yếu tố then chốt để năng suất ngô thời gian qua có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, tuỳ theo đều kiện thời tiết của mỗi miền, mỗi vùng, mỗi vụ và trên từng chân đất xác định các giải pháp nâng cao năng suất ngô cần được tư duy sáng tạo trong từng điều kiện cụ thể.

Câu hỏi đặt ra là mật độ gieo trồng nói trên đã tối ưu chưa? Có thể nâng cao mật độ ngô lên nữa không? Theo các nhà sản xuất, cung ứng giống ngô thì mật độ trên là tối ưu. Đúng, nhưng đó là thực hiện theo phương thức gieo hàng đơn.

Sản xuất ngô nói chung, cây trồng khác nói riêng trên các vùng đất bãi ven sông thường là sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho áp dụng cơ giới hoá trong làm đất, gieo trỉa và bón phân...

Ngoài nghiên cứu mật độ gieo trồng, nghiên cứu áp dụng nhiều khâu cơ giới hoá vào sản xuất ngô nói riêng và cây trồng khác nói chung trên vùng đất này rất cần các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo quan tâm để giải phóng sức lực cho nông dân.

Được biết ngô thuộc nhóm cây C4 (nhóm ưu ánh sáng mạnh) và là cây giao phấn. Khi phân tích đặc tính sinh trưởng phát triển, khả năng tung và yêu cầu thụ phấn, góc lá, vv… chúng tôi xác định có thể nâng cao mật độ ngô nếu thay đổi phương thức gieo trồng. Nếu chúng ta chuyển từ phương thức gieo hàng đơn như khuyến cáo hiện nay sang phương thức gieo trồng theo hàng kép: 80cm x 40cm (trồng 2 hàng) x 20cm, gieo 1hạt/hốc. Áp dụng phương thức gieo trồng này mật độ ngô tăng lên được 25% so với phương thức gieo trồng theo hàng đơn nói trên.

Mặt khác, gieo theo phương pháp này tất cả cây ngô đều là cây mép luống, quang hợp tốt, ngô có thể thụ phấn, thụ phấn chéo trong hàng kép hay hàng kép cạnh bên (hiệu ứng mép luống được phát huy tối đa cho tất cả ngô trên đồng ruộng). Như vậy, xét về mặt lý thuyết phương thức gieo trồng này tăng mật độ 25%, tương ứng với năng suất tăng 25%. Giả sử áp dụng phương thức gieo trồng này cho toàn bộ diện tích ngô xuân và hè ở Nghệ An, hiệu quả nâng lên thể hiện qua phép tính:

25% x 45tạ/ha x 16.000ha x 4.500đ/kg = 81.000.000.000đ (vụ xuân)

25% x 26tạ/ha x 12.000ha x 4.500đ/kg = 35.100.000.000đ (vụ hè)

Đây không đơn thuần là phép tính tăng năng suất nữa mà là tăng hiệu quả trong sản xuất ngô (chi phí sản xuất tăng lên không đáng kể - vì chỉ tăng lượng giống ngô), tăng hiệu quả cho xã hội.

Không những vậy, ngô thuộc nhóm cây C4, chiều cao trên 2m (các giống phổ biến hiện nay). Trong khi đó đậu tương chiều cao chỉ 0,5m và đặc biệt là thuộc nhóm cây C3 (nhóm ưu ánh sáng tán xạ). Thời gian sinh trưởng của ngô dao động từ 120-135 ngày tuỳ thuộc vào giống trong vụ xuân. Thời gian sinh trưởng của đậu tương có nhiều giống chỉ trong khoảng từ 70-75 ngày.

Như vậy với các khoảng cách các hàng kép của ngô là 80cm, kết hợp các phân tích trên bố trí trồng xen 2-3 hàng đậu tương/1hàng kép là điều có thể. Hiệu quả tăng thêm từ áp dụng trồng xen không dừng lại ở sản lượng đậu tương hạt mà sau thu hoạch đậu tương còn để lại hàng chục cân đạm/mỗi ha ngô, lợi ích này không nhỏ.


Có thể bạn quan tâm

Mật Độ Và Khoảng Cách Trồng Ngô Mật Độ Và Khoảng Cách Trồng Ngô

giống ngô MSB49 ở các mật độ 9,52 vạn cây/ha (70x15cm), 7,14 vạn cây/ha (70x20cm) và 5,7 vạn cây/ha (70x25cm). Kết quả cho thấy: ở mật độ 9,52 vạn cây/ha với mức phân bón 120 N : 80 P205 : 40 K20 cho năng suất cao nhất (55,30 tạ/ha) và ở mật độ 5,7 vạn cây/ha cho năng suất thấp nhất.

28/10/2013
Phòng Trừ Sâu Đục Thân Cây Ngô Phòng Trừ Sâu Đục Thân Cây Ngô

Sâu đục thân cây ngô có tên kkoa học là Ostrinia nubilalis, là loại sâu hại rất phổ biến trên ngô. Ngoài ra, chúng còn sống và đục thân trên các loại cây khác như cao lương, kê, bông vải, đay và một số cây thuộc họ hòa thảo khác. ở nước ta, sâu đục thân ngô thường gây hại nặng ở nhiều vùng và trong mọi mùa vụ.

01/08/2013
Kỹ Thuật Trồng Ngô Lai Kỹ Thuật Trồng Ngô Lai

Hiện nay, tập đoàn giống Ngô Việt Nam rất phong phú và đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng..., đáp ứng mọi nhu cầu về giống ngô cho nông dân trong cả nước.

26/10/2013
Kỹ Thuật Trồng Bắp Lai Kỹ Thuật Trồng Bắp Lai

Hiện nay, đang vào đầu mùa mưa, bà con nông dân đã xuống giống và đang trong thời kỳ chăm sóc cây bắp vụ một. Chuyên mục Khuyến nông xin giới thiệu với bà con nông dân một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật canh tác cây bắp, hy vọng sẽ góp phần giúp bà con nâng cao năng suất cho vụ mùa.

28/10/2013
Xử Lí Bệnh Trên Cây Ngô Vụ Đông Xử Lí Bệnh Trên Cây Ngô Vụ Đông

Hiện nay, trên cây ngô đông từ giai đoạn 3 - 5 lá đến trổ cờ ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn... đang xuất hiện bệnh lạ. Triệu chứng của những cây ngô bị bệnh, ở giai đoạn 3 - 5 lá: phiến lá dày, màu xanh đậm và giòn hơn bình thường, phần ngọn bị xoắn hoặc sít lại, phần gốc mọc các chồi phụ.

28/10/2013