Cần Những Giải Pháp Cứu Cây Hồ Tiêu

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên cây tiêu diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại nhiều cho nông dân.
Ông Trần Văn Vinh, một người dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cho biết: "Gia đình tôi trồng được 2 ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, những năm trước đây năng suất vườn tiêu đạt hơn 3-4 tấn/ha. Thế nhưng gần nửa tháng nay, vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh rủ lá chết hàng loạt. Đến nay, 1,3 ha (tương đương 1.300 trụ tiêu) đã bị chết khô, gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng".
Theo thống kê của UBND xã Nâm N’Jang, hiện nay, địa phương đã có hơn 10 ha tiêu bị bệnh chết và đang có xu hướng lây lan diện rộng. Còn tại Chư Jút, toàn huyện có 1.694 ha hồ tiêu, trong đó có 872 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, diện tích tập trung các xã Đắk Wil, Nam Dong, Chư K’nia và Tâm Thắng... nhưng trong thời gian qua đã có hơn 25 ha tiêu bị chết.
Tương tự, ở các xã Đắk Wer, Đắk Sin, Hưng Bình... của huyện Đắk R’lấp, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt cũng chuyển sang úa vàng, tháo đốt, rồi chết, dù bà con nông dân đã tìm nhiều cách để cứu vườn tiêu nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Văn Thành ở xã Nghĩa Thắng, khoảng hơn 1 năm nay trên cây tiêu xuất hiện bệnh vàng lá và hơn 3 tháng nay, cây tiêu bỗng nhiên rũ lá, khô thân và đến nay đã chết gần 200 trụ. Mặc dù gia đình đã dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị phòng ngừa nhưng xem ra vẫn không mấy khả quan.
Trước tình trạng tiêu chết hàng loạt đang lan rộng, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân khi thấy cây tiêu bị nhiễm bệnh chết thì bà con báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống dịch, chứ không nên tự ý đi mua thuốc, chế phẩm và tổ chức phun khi chưa được kiểm định, vừa mất tiền mà bệnh càng nặng hơn.
Hiện tại, cơ quan chức năng mới xác định được nguyên nhân làm cho cây tiêu chết hàng loạt là bị nhiễm bệnh thối rễ do nấm Phytophthora, bệnh tuyến trùng, bệnh tán thư... gây ra, nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặt khác, đa số bệnh xuất hiện ở những vườn hồ tiêu thâm canh kém, không chú trọng đến phòng bệnh như ít đầu tư phân bón, thuốc BVTV, vườn ít thông thoáng và thoát nước kém.
Bên cạnh đó, do khi làm cỏ cạnh cây tiêu, người dân đã vô tình làm đứt rễ nên nấm và vi rút gây bệnh xâm nhập qua vết thương của rễ, làm cho cây tiêu bị nhiễm bệnh. Vì vậy, Chi cục đã chỉ đạo cán bộ, kỹ sư các phòng chuyên môn phối hợp trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã về các địa phương xảy ra dịch bệnh tìm hiểu kỹ nguyên nhân và hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp quản lý phòng trừ tổng hợp.
Đối với nông dân, bà con cần vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, thông thoáng, bón phân cân đối để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài việc cung cấp đầy đủ phân bón, bà con cần chú trọng các nguyên tố trung vi lượng cần thiết cho cây tiêu, có biện pháp tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa, tránh tình trạng ngập úng lây lan bệnh ở những vườn tiêu đã có mầm bệnh...
Có thể bạn quan tâm

Nông dân chưa vui vì trong chuỗi giá trị lúa gạo gia tăng, nông dân cực nhất mà lại hưởng lợi ít nhất, vì đảm nhiệm toàn bộ khâu sản xuất lúa, đến vận chuyển, làm sạch, làm khô và thường là cả dự trữ, là những khâu trong sản xuất kinh doanh lúa gạo thường gặp nhiều rủi ro nhất. Đã vậy, giá vật tư sản xuất lại tăng không ngừng, nhiều khi kém chất lượng, thậm chí là hàng dỏm.

Từ đầu năm 2014 đến nay, ước tính sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 18.700 tấn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương đạt 880 tấn, bằng 67,5% so với cùng kỳ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.106ha đất trồng rau các loại, năng suất đạt 15 tấn/ha. Trong đó, chủ yếu tập trung tại huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.

Do đó, giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và mong ước của người dân nơi đây. Tuy nhiên, phát triển kinh tế theo hướng nào, cơ cấu cây trồng ra sao đang là bài toán khó, nỗi trăn trở của địa phương.

Thoạt nghe, không ít người thấy lạ vì dường như đang “đi ngược” với định hướng, quy hoạch phát triển cà phê - cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của Mường Ảng.