Cần Nhìn Đúng Về Chất Lượng Lúa Giống

Năng suất lúa của Cà Mau trong những năm gần đây đã được nâng lên, đó là nhờ vào sự thay đổi giống lúa có chất lượng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, không ít hộ dân còn chạy theo tiêu chí “hàng ngoại tốt hơn hàng nội”, từ đó họ phải trả thêm một phần “chi phí ảo” cho loại giống này.
Người dân chuyên canh trồng lúa và lúa - tôm tại Cà Mau cần loại giống lúa cấp xác nhận với số lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Nhưng năng lực cung cấp giống lúa này tại Trung tâm Giống nông nghiệp (TTGNN) tỉnh chỉ khoảng trên 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, tham gia thị trường còn có các đơn vị ngoài tỉnh cung ứng cho Cà Mau khoảng 1.000-1.500 tấn. Còn lại người dân tự để giống, chiếm trên 80%.
Ông Nguyễn Văn Ở, ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Năm nào tôi cũng tự chọn giống cho vụ sau. Chất lượng nẩy mầm thì cũng đạt trên 90% và năng suất lúa đạt trên 30 giạ/công trên đất lúa - tôm”.
Tuy nhiên, đây là điều hiếm, hiện nay đa số nông dân trong tỉnh gặp phải tình trạng năng suất thấp và chất lượng lúa chỉ để sử dụng cho bữa ăn gia đình. Nhưng sản xuất lúa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thì việc hướng đến giống lúa chất lượng, cấp xác nhận là vấn đề tất yếu.
Về chất lượng giống từ TTGNN sản xuất ra, nếu so sánh thì từ bằng đến hơn các đơn vị tỉnh bạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhược điểm là do hệ thống phơi sấy chưa bảo đảm, từ đó hạt lúa giống chưa được bóng, sáng so với các tỉnh vùng trên.
Ðây cũng là nguyên nhân một số nông dân trồng lúa chưa mặn mà với giống lúa tại địa phương mà chuộng "hàng ngoại" khi xem trọng hình thức mà không chú trọng đến chất lượng. Trong khi đó, thực tế chất lượng giống lúa được sản xuất từ TTGNN tỉnh được kiểm định chất lượng một cách nghiêm ngặt.
Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc TTGNN, cho biết: “Hiện nay, bà con chưa sử dụng nhiều giống sản xuất tại địa phương mà chuộng giống từ Cần Thơ và An Giang.
Trong khi đó, 2 năm qua, TTGNN tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam sản xuất tại trại lúa giống Khánh Lâm và được công ty mua 20 tấn lúa giống thành phẩm chuyển về TP Hồ Chí Minh cung ứng cho các tỉnh trong khu vực ÐBSCL. Ðiều này chứng tỏ chất lượng giống của Cà Mau đã phát triển ngang tầm với các tỉnh trong khu vực”.
Vấn đề là tâm lý của người dân chưa ổn định, nếu như trên tôm giống, người dân cho rằng “giống cà vòng” thì trên lúa giống cũng xuất hiện tình trạng trên.
Ông Phạm Văn Mịch cho biết thêm: “Nếu xét kỹ thì giống Một bụi đỏ hiện nay Cà Mau là đơn vị duy nhất sản xuất và cung ứng. Tuy nhiên, người dân vẫn thích mua giống này từ các công ty vùng trên và giá thì cao hơn trung tâm từ 1.500-2.000 đồng/kg.
Mà thực tế giống này được TTGNN tỉnh bán lại cho các công ty trên. Do vậy, người dân trồng lúa phải trả một khoản chi phí ảo cho loại giống mà mình cho rằng vẻ ngoài bóng hơn, đẹp hơn và từ vùng trên là chất lượng hơn tại địa phương.
Nhưng không biết nó chỉ mang danh nghĩa bởi thực tế chỉ là một loại". Ðây là câu chuyện đáng buồn cho cả người sản xuất giống tại địa phương và cho cả người dân trồng lúa trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ninh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.

Nhìn thấy lợi nhuận thu được từ các hộ nuôi tôm hùm thời gian qua, từ đầu năm đến nay nhiều người dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đua nhau đầu tư tiền tỷ để mua vật liệu làm bè và mua tôm giống thả nuôi với hy vọng đổi đời.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.