Cần Hỗ Trợ Thiết Thực Ngư Dân Đánh Bắt Xa Bờ

Khai thác xa bờ sẽ tránh tình trạng tận diệt thủy sản, tuy nhiên, việc đóng tàu với công suất lớn và những rủi ro khi vươn khơi đòi hỏi sự đầu tư lớn, việc mà những ngư dân nhỏ lẻ khó làm được.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết hiện cả nước có khoảng 117.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV khoảng 27.000 tàu.
Điều đó cho thấy việc triển khai các quy định, chủ trương của Bộ NNPTNT trong việc không cho phép phát triển, đóng mới một số loại tàu nhỏ, tàu sử dụng các thiết bị xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, đã có hiệu quả.
Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các hoạt động khai thác biển của ngư dân vẫn đang vướng mắc, đặc biệt là do khai thác thủy sản tính rủi ro cao nên nhiều ngân hàng thương mại thường né tránh việc cho vay.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tiếp tục đề xuất tới đây, các ngân hàng thương mại nên có cơ chế đặc thù để ngư dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay hơn nữa, tránh tình trạng ngư dân muốn ra biển phải vay lãi suất cao của các chủ nậu, vựa rồi sau đó bị ép giá thu mua hải sản.
Đến nay, cả nước có hơn 50 nghiệp đoàn nghề cá, 3.700 tổ đội sản xuất trên biển, góp phần quan trọng phát triển khai thác hải sản, kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển, đồng thời khắc phục những khó khăn mà nghề khai thác gặp phải trong thời gian qua như giảm bớt chi phí chuyến biển, hỗ trợ nhau được trong khai thác, hậu cần nghề cá…
Không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, các tàu tham gia tổ ngư dân đã khai thác đạt hiệu quả hơn, sản lượng khai thác tăng, có tàu tăng 1,2-1,5 lần so với khi chưa vào tổ, do bám biển được dài ngày, thời gian đánh bắt tăng, sản lượng tăng và giảm được chi phí chuyến đi, ông Hoàng Đình Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhận định.
Cũng theo ông Hoàng Đình Yên, kinh nghiệm trong phát triển mô hình tổ đội sản xuất trên biển thời gian qua cho thấy, để duy trì một cách thường xuyên và hiệu quả thì vai trò của các “hạt nhân” như tổ trưởng tổ sản xuất và các chủ tàu tham gia là hết sức quan trọng, là cơ sở góp phần làm cho mô hình tổ hợp tác thành công.
Do đó thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này theo hướng hỗ trợ thành lập mới tổ hợp tác, hỗ trợ bảo hiểm, máy thông tin và hỗ trợ tai nạn biển đối với các chủ tàu khai thác và dịch vụ khai thác hải sản.
Năm 2014, bên cạnh việc tổ chức triển khai thực hiện công tác giảm tổn thất sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản theo quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản sẽ đẩy mạnh triển khai đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản theo hướng khuyến khích hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa, thành lập tổ đội sản xuất; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản…
Có thể bạn quan tâm

Do lũ rút, cua đồng ít dần nên giá cua tại các chợ huyện, thị, thành ở tỉnh An Giang đã tăng đáng kể. Cụ thể giá cua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn càng cua giá 120.000 - 160.000 đồng/kg.

Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu. Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích.

Các trại nuôi tôm của Charoen Pokphand Foods (CP Foods) và Plutaluang Water Aquaculture tại tỉnh Chonburi, Thái Lan đã được kiểm tra để phát hiện dấu hiệu EMS.

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 600 ha trồng chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Tập trung ở các xã: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Hội Xuân và Hiệp Đức.

Những ngày gần đây, giá mía tại vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có chiều hướng nhích lên. Tuy giá tăng, nhưng diện tích mía còn lại không nhiều và lợi nhuận của nông dân được cải thiện không đáng kể.