Cần định hướng phát triển diện tích nuôi cá rô phi

Với ưu thế ít dịch bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao... nuôi cá rô phi đang ngày càng nhận được sự quan tâm của người nuôi và diện tích thả nuôi tăng hàng năm. Cá rô phi cũng góp phần tăng tỷ trọng sản phẩm thủy sản xuất khẩu nuôi từ nước ngọt; đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, tận dụng tốt hơn các vùng nước hiện có ở nước ta.
Cá rô phi hiện đang có thị trường tiêu thụ tốt trong nước cũng như xuất khẩu. Trong khi giá một số hàng thủy sản luôn có nhiều biến động thì hầu hết các sản phẩm từ cá rô phi có giá khá ổn định trong vòng 5 năm qua. Giá bán thay đổi ít đã tạo ra môi trường kinh doanh tương đối ổn định cho các cơ sở nuôi, sản xuất và hệ thống phân phối tiêu thụ cá rô phi. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên toàn thế giới tăng mạnh, với mức bình quân từ 15 - 20%, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, với giá trị nhập khẩu năm 2014 đạt 1,1 tỷ USD.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển là rất lớn và diện tích thả nuôi cá rô phi hiện đã đạt 16.000ha, với sản lượng đạt 125.000 tấn. Nhưng sản xuất và tiêu thụ cá rô phi tại nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn giống trong nước chưa tốt, thậm chí lượng cá rô phi giống nội địa chưa đáp ứng đủ yêu cầu thả nuôi nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nước ta đi sau trong sản xuất cá rô phi nên việc xâm nhập vào các thị trường nhập khẩu lớn là rất khó. Các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với những doanh nghiệp đối thủ có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và kỹ thuật thả nuôi hiện đại.
Vì vậy, để phát triển nuôi cá rô phi bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có một định hướng phát triển rõ ràng trong sản xuất và tiêu thụ. Trước hết, cần triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung tại 3 miền, trong đó miền Bắc tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng; miền Trung tập trung tại Quảng Nam và những tỉnh có hồ chứa, ao đầm nước lợ nuôi tôm bị thoái hóa môi trường; miền Nam, tập trung sản xuất giống tại Tiền Giang và nuôi cá thương phẩm tại Cần Thơ. Đồng thời, có những định hướng để các địa phương phát triển vùng nuôi cá rô phi gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để sản xuất cá rô phi phát triển phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt là cần nhanh chóng nhập giống tốt ở nước ngoài về để nghiên cứu, chọn tạo tiến tới tự sản xuất được giống cá rô phi có chất lượng cao. Tiếp đó, tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao, đủ số lượng thay thế đàn cá bố mẹ không bảo đảm chất lượng hiện nay.
Và Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách quy định ngành hàng cá rô phi là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện để không lặp lại những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ như đối với nuôi cá tra. Có chính sách ưu đãi đầu tư công cho các tổ chức, cá nhân đi đầu trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cá rô phi chất lượng cao...
Có thể bạn quan tâm

Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Gò Công tại ấp Tân Xã, xã Long Hòa (thị xã Gò Công, Tiền Giang) hoạt động từ ngày 21-8-2006 chủ yếu là sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Từ đó đến nay, HTX không ngừng lớn mạnh, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định được thương hiệu, trở thành cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng.

Những ngày gần đây, thanh long tại các nhà vườn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An đang hút hàng. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 100 xe container, xe tải từ Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang… chạy về Châu Thành để lấy hàng đi xuất khẩu.

Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có 7 hộ dân phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, góp phần giải quyết đầu ra và tăng thu nhập cho người nông dân.

Xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là vùng đất đai ít màu mỡ, nguồn nước tưới hạn chế. Tuy nhiên, không đầu hàng về điều kiện thỗ nhưỡng, anh Nguyễn Xuân Long - nông dân địa phương đã có những cách làm khá đặc biệt như dẫn nguồn nước chảy tự nhiên, trồng ổi để chống rầy bảo vệ các loại cây trồng có múi, trồng cây ăn trái lâu năm để có nguồn thu lâu dài...

Bệnh giác ban là loại bệnh khiến lá hồng xoăn lại, rụng lá và trái. Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, vào những tháng 6, 7, 8 đồng thời là những tháng hồng ra hoa kết trái. Chính bởi vậy nên năng suất hồng giảm nhiều, ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch của người trồng hồng.