Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Đánh Giá Lại Việc Sản Xuất Lúa 3 Vụ

Cần Đánh Giá Lại Việc Sản Xuất Lúa 3 Vụ
Ngày đăng: 20/07/2013

“Thực hiện trồng lúa 3 vụ góp phần tăng sản lượng lúa hàng năm lên 16 tấn/ha, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người nông dân. Tuy nhiên, trồng lúa 3 vụ/năm là kiểu canh tác còn “trẻ” đối với nước ta và cả thế giới. Hiện nay, còn quá ít những bài học đánh giá tác động của việc sản xuất này đến môi trường, kinh tế - xã hội...

Vì thế cần có những nghiên cứu đồng bộ, dài hạn đúng mức” - tham luận của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) TP.Cần Thơ trong hội thảo tư vấn, phản biện phát triển lúa vụ 3 đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc khai thác lúa 3 vụ hầu hết được các đại biểu nhận định còn nhiều hạn chế, nhất là áp lực sâu bệnh. Theo lý giải, do thời gian lúa không có trên đồng càng ngắn (khoảng 1 tháng) sẽ là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển càng nhiều, do thức ăn lúc nào cũng có, làm bùng phát sâu bệnh quanh năm và thành dịch dẫn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chữa trị cũng nhiều hơn.

Đê bao khép kín phục vụ cho sản xuất lúa 3 vụ làm hạn chế đất không nhận được phù sa, không rửa được độc chất trong ruộng, mất nguồn thủy sản thiên nhiên... mà nhiều ý kiến cho rằng là “bỏ đi cái lộc trời cho”. Theo thống kê, mùa nước nổi mang phù sa về cho ĐBSCL khoảng 250 triệu tấn/năm, vì thế lượng dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa được hấp thu dẫn tới việc bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa sẽ ít hơn, giảm giá thành sản xuất.

Chính việc đất không ngập nước mùa lũ sẽ tồn tại nhiều độc chất. Để kịp mùa vụ, rơm tươi được vùi vào đất trong điều kiện ngập nước yếm khí, sinh ra acid hữu cơ gây ngộ độc cho ruộng lúa. Theo khảo sát, hiện tượng này xảy ra quanh năm, ngay cả vụ đông xuân, rất tai hại cho mùa sản xuất chính ở ĐBSCL. Theo nghiên cứu, đất canh tác cần phải có thời gian “nghỉ” để phục hồi dinh dưỡng và rửa đi độc chất vào mùa nước nổi.

Khi làm lúa 3 vụ, đất tiếp xúc với quá nhiều hóa chất nông nghiệp, làm nghèo dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa, năng suất lúa giảm khoảng 50 - 40kg/ha mỗi năm theo phương thức canh tác liên tục. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, mỗi năm năng suất sẽ giảm 1,6 - 2,0% và nếu sản xuất liên tục trong 24 năm thì sản lượng giảm từ 38 - 58%.

Ông Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TP.HCM đặt vấn đề, tại sao người nông dân sản xuất sản lượng đứng nhất nhì thế giới nhưng người nông dân vẫn không khá lên.

Ông Lê Minh Tùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang cho rằng, nếu thật sự có nhu cầu tăng sản lượng lương thực của từng địa phương và vùng ĐBSCL trong bối cảnh không thể mở rộng diện tích thì cần có chủ trương rõ ràng, cụ thể. Hiện nay, cả nước cần xem lại sản xuất lương thực đến mức nào là vừa để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, thay vì sản xuất nhiều mà hiệu quả thấp, cộng với việc lúng túng trong tiêu thụ lúa...

Theo các chuyên gia nhận định, để khắc phục những yếu tố bất lợi, cần đẩy mạnh sử dụng giống ngắn ngày, quản lý rơm rạ sau mỗi vụ, quản lý về nhu cầu dinh dưỡng của đất, hướng đến sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu... Nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch cần có hệ thống sấy, khuyến cáo người nông dân tận dụng phụ phẩm và chế phẩm của cây lúa giúp nâng cao thu nhập.

Đồng thời, quy hoạch sản xuất lúa vụ 3 trên quy mô toàn vùng, nhất là trong vùng chịu ảnh hưởng lũ để không tác động ảnh hưởng đến những vùng khác. Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện hơn về công trình kiểm soát lũ...

Song song đó, các ý kiến cũng cho rằng thay thế một số mùa vụ sản xuất lúa trong năm bằng cây trồng phù hợp khác, chuyển từ 2 vụ lúa sang 1 vụ màu, trồng cây ăn trái... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho người chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng này sẽ gặp nhiều khó khăn khi người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều loại hoa màu không thích hợp với đất sản xuất lúa...

Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm nhất đó là đầu ra cho các sản phẩm, phải thực sự đáp ứng nhu cầu thị trường. Để thực hiện điều đó, cần phải có bao tiêu sản phẩm, hướng đến việc liên kết 4 nhà. Trong khi hiện nay, liên kết trên chỉ được thực hiện với cây lúa nhưng chưa chặt chẽ...

Theo T.S Nguyễn Văn Đúng - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội KH&KT tỉnh Đồng Tháp: “Việc tìm ra cây trồng phù hợp vừa thay thế cho lúa vụ 3 và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cần có những hội thảo và thời gian để tìm ra sản phẩm có thể đáp ứng tốt cho nhu cầu thị trường cũng như kỳ vọng của người nông dân”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Lồng Bè Ở Bình Định Khốn Đốn Vì Con Giống, Đầu Ra Nuôi Cá Lồng Bè Ở Bình Định Khốn Đốn Vì Con Giống, Đầu Ra

Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, các hộ ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển trên đầm Thị Nại tại phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định điêu đứng vì cá giống khan hiếm và giá cao, trong khi đó cá nuôi thương phẩm hạ giá nhưng không có thương lái đến mua.

30/12/2013
Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường Mô Hình Nuôi Heo Khép Kín Lợi Nhiều Đường

Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.

09/12/2013
Dak Lak Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Chứa Dak Lak Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Chứa

Hiện nay, trên địa bàn Dak Lak đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa với tổng số 200 lồng, chủ yếu tập trung tại một số hồ chứa lớn.

30/12/2013
Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Chà Và Tiếp Tục Chết

Đêm 25-12 rạng sáng ngày 26-12, tại các lồng nuôi cá lồng bè của 8 hộ dân trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã xảy ra tình trạng cá bớp chết đồng loạt thiệt hại gần 3 tấn trong ngày 25-12, lại tiếp tục chết thêm gần 2 tấn cá bớp và hơn 100 con cá chim, loại 300 – 400 gram/con.

30/12/2013
Mía Tím Xen Rau Mía Tím Xen Rau

Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn mía sau nhà, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết trước đây khu vườn này trồng vải thiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

09/12/2013