Cận cảnh tàu cá vỏ thép đầu tiên tại Bình Định trị giá hơn 17 tỷ đồng

Sau 128 ngày, tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1 đã được công ty TNHH MTV đóng Tàu Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thi công hoàn thành và bàn giao cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng (TP Quy Nhơn, Bình Định).
Sáng 27.8, UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Ngân hàng BIDV Việt Nam chi nhánh Bình Định tổ chức Lễ bàn giao tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1 (số hiệu BĐ 99009 TS) được đóng mới theo nghị định 67/NĐ-CP cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng tại cảng cá TP Quy Nhơn, Bình Định.
Tàu Hải Cảng 1 có nhiều thông số hiện đại như chiều dài lớn nhất: 25m, chiều rộng toàn bộ 7,2m, chiều cao mạn 3,15m, mớn nước thiết kế 2,3m, máy chính Doosan: 880HP, tàu đạt tốc độ 12 hải lý/ giờ.
Tàu được thiết kế hoạt động được ở cấp sóng 8B, hoạt động 30 ngày đêm liên tục trên biển với số lượng 18 thuyền viên.
Tàu Hải Cảng 1 được đóng theo mẫu tàu đánh cá lưới vây vỏ thép khu vực miền Trung và Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Định tài trợ 95% tổng số vốn theo thể thức Hợp đồng tín dụng. Tàu có tổng số vốn đầu tư là 17,1 tỷ đồng (trong đó chi phí đóng tàu và máy móc thiết bị: 14,84 tỷ đồng, chi phí ngư lưới cụ: 3,17 tỷ đồng).
Đây là loại tàu cá vỏ thép, có kết cấu hàn, hệ thống lực diesel lai chân vịt bước cố định. Thép vỏ tàu được đóng là thép Hàn Quốc, áp dụng quy trình sơn tàu biển quốc tế của Hãng Chuguku (Nhật Bản), hệ trục bằng thép không rỉ SUS 316.
Trên tàu được trang bị hệ thống lái thủy lực, đầy đủ hệ thống nghi khí hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa…
Hệ thống đánh bắt hiện đại: 2 máy phát điện chuyên dùng cho tàu thủy (613 Kva và 250 Kva), máy dò ngang FURUNO CSH-8L, hệ thống đèn đánh bắt Unilam Hàn Quốc, 1 hệ thống đèn gom/ dụ cá dưới nước và hệ thống tời kéo lưới điện thủy lực 2 cấp, giảm thiểu nhân công lao động, tăng năng suất khai thác.
Cá được bảo quản bằng phương pháp ướp đá lạnh trong khoang cách nhiệt bằng PU, bọc inox SUS 304, tàu được trang bị 3 hầm bảo ôn hoạt động độc lập với nhiệt độ bảo quản là -5 độ C.
Với tàu Hải Cảng 1, ngư dân Nguyễn Việt Hằng hy vọng khi vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa sẽ được nhiều hải sản, làm giàu cho quê hương Bình Định và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Có thể bạn quan tâm

Tuy chưa thu hoạch hết số cua hiện có nhưng những hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao tại xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) rất hồ hởi vì cua nuôi mau lớn, tỷ lệ hao hụt rất thấp, khả năng thu lời nhiều so với cách nuôi truyền thống…

Trước tình trạng hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng phi mã, các nhà khoa học đã đưa ra một số nguyên liệu như thóc, gạo, sắn… thay thế để giảm chi phí đầu vào.

Tính đến thời điểm này, heo hơi đang có giá bán từ 44 ngàn – 46 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi heo có lãi 500 – 600 ngàn đồng/tạ.

Ngày 23/08/2013, tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi gà giống mới J-Dabaco theo hướng an toàn sinh học. Tham dự buổi hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, đại diện phòng chuyên môn của sở NN&PTNT Lâm Đồng, lãnh đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương cùng với 29 nông dân tham gia.

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), trung bình hằng năm tổng sản lượng NTTS khoảng 225.000 tấn, riêng tôm khoảng 120.000 tấn. Có tổng số 28 công ty với 38 xí nghiệp chế biến thuỷ sản trực thuộc trên toàn tỉnh, tổng công suất thiết kế 190.000 tấn/năm.