Cam go giữ rừng mùa mưa

Những năm gần đây, mùa gỗ lậu xuất hiện trên địa bàn miền núi vào các tháng cuối năm.
Mùa khô, đối tượng thường đưa phương tiện, dụng cụ khai thác vào vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Tranh, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khu vực rừng đầu nguồn triệt hạ cây, rồi chờ đến mùa mưa lũ lợi dụng dòng nước các con sông dâng cao để đưa gỗ về xuôi.
Hiện nay, các bãi chuyên tập kết gỗ lậu, thượng nguồn các sông, suối ở các địa phương miền núi đã được khoanh vùng bảo vệ.
Lực lượng bảo vệ rừng đã huy động đủ mạnh, phản ứng nhanh, bí mật; vận động nhân dân tố giác tội phạm phá rừng và cài cắm cơ sở báo tin kịp thời.
Tuy nhiên, rừng vẫn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng với hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trong vài tuần nay.
Chủ rừng và kiểm lâm đang bố trí lực lượng canh giữ cả trăm mét khối gỗ khai thác trái phép ở rừng phòng hộ Sông Tranh (đoạn qua xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My).
Giữ gỗ lậu trên bờ đã khó, truy quét lâm tặc vận chuyển bằng đường thủy khó gấp bội, do công việc thường diễn ra vào đêm tối, nước chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Theo Công an huyện Nam Giang, trong 2 tháng 8 và 9, đơn vị bắt giữ 4 vụ vận chuyển gỗ lậu bằng đường thủy và thu giữ hơn 5m3 gỗ các loại và 1 thuyền máy.
Tình trạng vận chuyển, tập kết gỗ lậu dưới sông có chiều hướng gia tăng trong mùa mưa lũ.
Trực tiếp tham gia truy quét gỗ lậu dưới sông Tranh mới đây, Đại tá Trần Văn Cường – Phó phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh nhớ lại: “Đối tượng liều lĩnh, sẵn sàng chống người thi hành công vụ.
Mình bảo vệ hai bên bờ sông, thì lâm tặc ra giữa sông cướp lại gỗ.
Chúng luôn đe dọa nhấn chìm ghe của cán bộ”. Một cán bộ kiểm lâm thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) kể, lâm tặc bây giờ liều lĩnh lắm.
Tại khu vực Trung Mang, hay Dốc Kiền (Đông Giang), khi phát hiện nhiều xe máy chở gỗ lậu, anh em lao đến rượt đuổi, nổ súng bắn chỉ thiên, song họ vẫn cố tình quay ngược đầu xe, thả gỗ xuống thách thức kiểm lâm.
Cuộc chiến giữ rừng vô cùng gian nan, đã từng xảy ra nhiều vụ lâm tặc tấn công, gây thương tích nặng cho lực lượng kiểm lâm khi thực thi nhiệm vụ; có năm xảy ra 13 vụ chống người thi hành công vụ, gây trọng thương 5 cán bộ kiểm lâm.
Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, không gì vất vả hơn việc truy quét rừng vào mùa mưa lũ.
Có khi tuần tra, gặp mưa xuống, nước lũ dâng cao phải mắc võng ngủ lại trong rừng. Ngoài bị muỗi, vắt rừng bu bám, lực lượng kiểm lâm còn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập.
Cách đây không lâu, kiểm lâm viên Trần Văn Quý (24 tuổi, thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), công tác tại Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh bị tử nạn khiến ai cũng thương xót. Trong lúc tuần tra rừng, Quý phát hiện nhiều bè gỗ nằm dưới dòng sông Bung hung dữ.
Khi trục vớt gỗ, bất ngờ Quý bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi trước sự bất lực của đồng nghiệp. Và còn nhiều trường hợp kiểm lâm trong tình trạng “thập tử nhất sinh” khi bị lâm tặc tấn công.
Ngành kiểm lâm đang mở chiến dịch truy quét, phong tỏa lực lượng ở hầu hết “điểm nóng” phá rừng trọng điểm trong tỉnh, với hy vọng sẽ giành lại màu xanh cho rừng.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, ngành sẽ tái cấu trúc, sắp xếp đổi mới các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên và kiện toàn lại lực lượng kiểm lâm ở các hạt. Trước mắt, tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm lâm liên tục tuần tra, truy quét, sớm phát hiện và chặn đứng kịp thời đường dây phá rừng quy mô lớn.
Có thể bạn quan tâm

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 530 hộ nuôi cá tra thương phẩm, tăng 6 hộ so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số hộ nuôi cá thể chiếm 57,74% số hộ nuôi của toàn tỉnh. Vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 74% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn và một số địa phương vùng ĐBSCL.

6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thị xã đưa vào nuôi thả 420 triệu con giống thủy sản và hàng trăm triệu giống nhuyễn thể trên tổng diện tích 7.129,8ha, trong đó 6.400ha nuôi nước lợ, 800ha nuôi nước ngọt, 300ha diện tích nuôi hầu, hà sú, 121ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 20 ha/950 ha nuôi tôm bị nhiễm bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm...

Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

“Từ nay đến cuối năm, sẽ hoàn thiện việc nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, để sang năm có thể áp dụng công nghệ chiếu xạ trong bảo quản vải thiều phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.