Cám Cảnh Cá Ngừ Phú Yên

Phú Yên từng được xem là cái nôi của nghề khai thác cá ngừ đại dương nhưng nhiều ngư dân đã phải chuyển sang công việc khác, trong khi ở Bình Định, nghề này đang được địa phương hỗ trợ mạnh
Trong cuộc làm việc mới đây tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh xem lại việc sản lượng cá ngừ đại dương liên tục giảm. Trong khi đó, tại địa phương, nhiều cử tri đề nghị tỉnh có những giải pháp thiết thực giúp ngư dân khai thác cá ngừ đại dương.
Nhiều ngư dân chuyển nghề
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, địa phương hiện có hơn 1.000 tàu công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, phần lớn là câu cá ngừ đại dương. Năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được ở Phú Yên là 6.050 tấn. Sang năm 2013, con số này chỉ còn trên 4.500 tấn. Mùa khai thác cá ngừ đại dương năm 2014 đã vào cuối vụ nhưng sản lượng khai thác cũng chỉ trên 3.200 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về việc sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên giảm mạnh, UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân là do tàu cá của ngư dân công suất nhỏ; trang thiết bị và công nghệ khai thác, bảo quản lạc hậu; chưa hình thành chuỗi sản xuất. Phần lớn tàu cá Phú Yên chỉ khai thác cá ngừ đại dương. Trong khi đó, ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, lúc hết mùa vụ, ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ vằn nên hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường cá ngừ đại dương bấp bênh, chưa gắn kết sản xuất với thu mua.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, nguyên nhân chính khiến sản lượng cá ngừ đại dương ở Phú Yên giảm liên tục là do đầu ra chưa bền vững. Cách đây 3 tháng, khi vào chính vụ khai thác cá ngừ đại dương, ông Lương Công Xuyên (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, chủ tàu PY-90144 TS) đột nhiên chuyển sang nghề lưới rút mực. “Giá cá ngừ đại dương thấp lè tè, lại lệ thuộc tư thương nên 3 chuyến gần đây của tôi đều bị lỗ. Bám vào nghề này chỉ có bán nhà nên phải chuyển đổi thôi” - ông Xuyên tâm sự.
Hai năm gần đây, giá cá ngừ đại dương luôn ở mức thấp, 140.000 đồng/kg cá loại 1, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng chỉ còn 75.000 đồng/kg. Theo ngư dân, với giá này, nếu chuyến biển kéo dài 1 tháng, khai thác được 1 tấn cá thì lỗ.
Vì vậy, mới đây, tàu câu cá ngừ đại dương PY-96392 TS của ngư dân Trần Thịnh (phường 6, TP Tuy Hòa) phải chuyển sang nghề lưới cá chuồn. “Không chỉ tôi mà nhiều người cũng phải chuyển nghề để kiếm sống chứ khó trụ với việc câu cá ngừ đại dương lắm” - ông Thịnh nói.
Loay hoay tìm đầu ra
Cả ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều hiểu với công nghệ khai thác, bảo quản theo truyền thống như hiện nay thì giá cá ngừ đại dương không thể cao vì chất lượng thấp. Để giải quyết đầu ra cho cá ngừ đại dương, phải thay đổi hàng loạt, từ công nghệ khai thác, bảo quản đến cả sự ràng buộc trong thu mua. Thế nhưng đến nay, Phú Yên vẫn cứ loay hoay tìm lối ra.
Trong khi đó, không như Phú Yên, đích thân chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần sang Nhật, đến tận các chợ cá, lên tàu ra ngư trường để mục sở thị công nghệ khai thác của họ. Sau đó, Bình Định liên doanh với doanh nghiệp Nhật để khai thác, bảo quản, thu mua. Đồng thời, tỉnh đầu tư 1,5 tỉ đồng để thí điểm thay đổi công nghệ đánh bắt cho ngư dân nhằm nâng giá trị cho cá ngừ đại dương.
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho rằng mức độ đầu tư, hỗ trợ cho nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên chẳng được bao nhiêu so với các tỉnh khác.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, những giải pháp mà ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề cập chủ yếu cũng chỉ kêu gọi thay đổi nhận thức của ngư dân trong sản xuất, bảo quản và thực hiện đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị của Bộ NN-PTNT.
“Tất nhiên Phú Yên sẽ làm nhưng vẫn chưa được như Bình Định. Bình Định làm rầm rộ là nhờ chính quyền ở đó rất quan tâm đến nghề cá, lại được ngân hàng hỗ trợ” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, phân tích.
Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, cho rằng việc phát triển nghề câu cá ngừ đại dương phụ thuộc vào chính quyền. “Bình Định đưa đoàn sang Nhật tìm hiểu, liên kết làm ăn, trong khi Phú Yên thì tài chính khó khăn, đâu thể làm như thế được” - ông Nhạn giải thích.
Có thể bạn quan tâm

Đó là kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Thị Hằng, Phó phụ trách Trại sản xuất thuộc Trung tâm Giống hải sản cấp I, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tốt nghiệp trường Đại Học thủy sản năm 2004, làm việc tại doanh nghiệp tư nhân từ năm 2005 đến năm 2010, năm 2011 được tuyển dụng vào làm việc ở trại sản xuất nghiên cứu thử nghiệm giống thủy sản, đảm nhận cương vị cán bộ kỹ thuật.

Ngày 10/6, ông Hoàng Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cho biết, trong 3 ngày qua, ngư dân Nguyễn Luân (trú thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền) đang huy động những bạn thuyền trong chi hội nghề cá của thôn để khai thác hết số cá nằm trong lưới vây rút chì mà ngư dân này đã đánh được tại vùng biển xã Vinh Hiền.

Các hộ dân nuôi tôm ở huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết giá tôm sú liên tục bị giảm trong thời gian gần đây. Hiện giá tôm loại 20 con/kg chỉ còn 230 ngàn đồng/kg, loại 30 con trên dưới 160 ngàn đồng/kg, loại 40 con khoảng 130 ngàn đồng/kg, giảm từ 60 - 80 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm 2014.
Trước thực trạng người nuôi tôm trên cát liên tiếp bị thua lỗ, nhiều diện tích người nuôi tôm chuyển sang nuôi kết hợp với ốc hương. Mô hình này đang dấy lên mối lo ngại “lợi bất cập hại”?

Toàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có 4 xã nuôi ngao với tổng diện tích 703 ha. Nếu thời tiết thuận lợi và không dịch bệnh, mỗi năm cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/ha. Mặc dù sản phẩm làm lớn, nhưng nghề nuôi ngao ở Hậu Lộc vẫn chưa phát huy được hiệu quả bởi đường ra thị trường còn nhiều “chướng ngại”.