Cám Cảnh Cá Ngừ Phú Yên

Phú Yên từng được xem là cái nôi của nghề khai thác cá ngừ đại dương nhưng nhiều ngư dân đã phải chuyển sang công việc khác, trong khi ở Bình Định, nghề này đang được địa phương hỗ trợ mạnh
Trong cuộc làm việc mới đây tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh xem lại việc sản lượng cá ngừ đại dương liên tục giảm. Trong khi đó, tại địa phương, nhiều cử tri đề nghị tỉnh có những giải pháp thiết thực giúp ngư dân khai thác cá ngừ đại dương.
Nhiều ngư dân chuyển nghề
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, địa phương hiện có hơn 1.000 tàu công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, phần lớn là câu cá ngừ đại dương. Năm 2012, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được ở Phú Yên là 6.050 tấn. Sang năm 2013, con số này chỉ còn trên 4.500 tấn. Mùa khai thác cá ngừ đại dương năm 2014 đã vào cuối vụ nhưng sản lượng khai thác cũng chỉ trên 3.200 tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Về việc sản lượng cá ngừ đại dương của Phú Yên giảm mạnh, UBND tỉnh cho rằng nguyên nhân là do tàu cá của ngư dân công suất nhỏ; trang thiết bị và công nghệ khai thác, bảo quản lạc hậu; chưa hình thành chuỗi sản xuất. Phần lớn tàu cá Phú Yên chỉ khai thác cá ngừ đại dương. Trong khi đó, ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, lúc hết mùa vụ, ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ vằn nên hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, thị trường cá ngừ đại dương bấp bênh, chưa gắn kết sản xuất với thu mua.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, nguyên nhân chính khiến sản lượng cá ngừ đại dương ở Phú Yên giảm liên tục là do đầu ra chưa bền vững. Cách đây 3 tháng, khi vào chính vụ khai thác cá ngừ đại dương, ông Lương Công Xuyên (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, chủ tàu PY-90144 TS) đột nhiên chuyển sang nghề lưới rút mực. “Giá cá ngừ đại dương thấp lè tè, lại lệ thuộc tư thương nên 3 chuyến gần đây của tôi đều bị lỗ. Bám vào nghề này chỉ có bán nhà nên phải chuyển đổi thôi” - ông Xuyên tâm sự.
Hai năm gần đây, giá cá ngừ đại dương luôn ở mức thấp, 140.000 đồng/kg cá loại 1, cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng chỉ còn 75.000 đồng/kg. Theo ngư dân, với giá này, nếu chuyến biển kéo dài 1 tháng, khai thác được 1 tấn cá thì lỗ.
Vì vậy, mới đây, tàu câu cá ngừ đại dương PY-96392 TS của ngư dân Trần Thịnh (phường 6, TP Tuy Hòa) phải chuyển sang nghề lưới cá chuồn. “Không chỉ tôi mà nhiều người cũng phải chuyển nghề để kiếm sống chứ khó trụ với việc câu cá ngừ đại dương lắm” - ông Thịnh nói.
Loay hoay tìm đầu ra
Cả ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều hiểu với công nghệ khai thác, bảo quản theo truyền thống như hiện nay thì giá cá ngừ đại dương không thể cao vì chất lượng thấp. Để giải quyết đầu ra cho cá ngừ đại dương, phải thay đổi hàng loạt, từ công nghệ khai thác, bảo quản đến cả sự ràng buộc trong thu mua. Thế nhưng đến nay, Phú Yên vẫn cứ loay hoay tìm lối ra.
Trong khi đó, không như Phú Yên, đích thân chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần sang Nhật, đến tận các chợ cá, lên tàu ra ngư trường để mục sở thị công nghệ khai thác của họ. Sau đó, Bình Định liên doanh với doanh nghiệp Nhật để khai thác, bảo quản, thu mua. Đồng thời, tỉnh đầu tư 1,5 tỉ đồng để thí điểm thay đổi công nghệ đánh bắt cho ngư dân nhằm nâng giá trị cho cá ngừ đại dương.
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho rằng mức độ đầu tư, hỗ trợ cho nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên chẳng được bao nhiêu so với các tỉnh khác.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên mới đây, những giải pháp mà ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề cập chủ yếu cũng chỉ kêu gọi thay đổi nhận thức của ngư dân trong sản xuất, bảo quản và thực hiện đề án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị của Bộ NN-PTNT.
“Tất nhiên Phú Yên sẽ làm nhưng vẫn chưa được như Bình Định. Bình Định làm rầm rộ là nhờ chính quyền ở đó rất quan tâm đến nghề cá, lại được ngân hàng hỗ trợ” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, phân tích.
Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, cho rằng việc phát triển nghề câu cá ngừ đại dương phụ thuộc vào chính quyền. “Bình Định đưa đoàn sang Nhật tìm hiểu, liên kết làm ăn, trong khi Phú Yên thì tài chính khó khăn, đâu thể làm như thế được” - ông Nhạn giải thích.
Có thể bạn quan tâm

Năm nay, các giống cây lâm nghiệp đều được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thay vì bằng hom, hạt như trước đây. Ưu điểm của phương pháp này là cây giống sạch bệnh, độ đồng đều cao, sinh trưởng, phát triển tốt, thân mọc thẳng, ít phân cành.

Tại Sóc Trăng, hiện nay, bưởi da xanh đang được thương lái thu mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/ kg và từ 43.000 - 50.000 đồng/kg bưởi Năm Roi, cao hơn từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo các nhà vườn ở huyện Kế Sách, nguyên nhân bưởi liên tục tăng giá do năm nay thời tiết không thuận lợi, gây ra nhiều dịch bệnh trên cây và trái, làm giảm năng suất và có thể sẽ gây khan hiếm cho thị trường Tết sắp tới.

Theo thông tin từ Hội Sinh vật cảnh thành phố Đà Lạt, khá nhiều nhà vườn trong thành phố đang trồng, chăm sóc loại chanh cho trái khổng lồ và hiện đã ra trái rất đẹp. Cây chanh không quá to, chiều cao chỉ khoảng 1,20m nhưng cho trái chanh rất lớn, có trái nặng tới 1kg, dáng tròn, lúc còn non trái màu xanh, khi chín trái vàng ươm rất đẹp. Cùi và vỏ của trái chanh khổng lồ có vị ngọt the, ruột vàng chua dịu và thơm. Hiện chanh giống có giá 200 ngàn đồng/cây.

Nói về những tấm gương nông dân làm giàu, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp bà con xung quanh cùng vượt khó thoát nghèo trên vùng ngập lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang, mọi người hay nhắc đến ông Trịnh Đông Hải, sinh năm 1951, hiện cư ngụ tại ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy.

Ước tính năng suất vụ nghịch này khoảng 4 tấn. Hiện có thương lái tới tận vườn nhà ông để đặt mua với giá rất cao. Thanh long loại 1 để xuất khẩu, giá 56.000 - 58.000 đ/kg, loại 2 giá 30.000 đ/kg (tăng 8.000 - 10.000 đ/kg so với dịp tết năm ngoái). Với mức giá trên, ông sẽ thu về từ 65 - 80 triệu đồng.