Cải Thiện Thu Nhập Từ Nuôi Cá Nước Ngọt

Nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, giảm rủi ro, tăng thêm thu nhập, nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi cá nước ngọt.
Huyện Phú Hòa có khoảng 80% dân số sinh sống bằng nghề nông, chủ yếu canh tác lúa, đậu, bắp, mía… kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng thời gian qua giá các loại nông sản, vật nuôi bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho nông dân.
Trước tình hình này, nhiều hộ dân trong huyện chuyển hướng sang đầu tư vốn nuôi cá nước ngọt, chủ yếu cá trê, lóc để tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Bình ở thị trấn Phú Hòa cho biết: Trước đây, vợ chồng tôi chuyên trồng lúa và nuôi heo, thu nhập không ổn định. Thấy một số người ở thị trấn nuôi cá lóc có thu nhập ổn định, nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng ao và thả cá nuôi.
Cá đến kỳ thu hoạch được các đầu nậu đến tận nhà mua với giá cao. “Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, gia đình tôi đã mở rộng diện tích ao nuôi cá lên gần 200m2, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, là một số tiền không nhỏ đối với nông dân chuyên trồng lúa như tôi”, ông Bình nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Xuân ở xã Hòa Thắng thì cho hay, gia đình ông có hơn 3 sào ruộng, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa, không đủ trang trải các khoản chi phí trong gia đình. Qua tìm hiểu mô hình cá - lúa ở các tỉnh miền Nam cho thu nhập cao, gia đình ông làm theo.
Ban đầu ông Xuân đào ao chữ T trong ruộng lúa và thả nuôi cá trê, nhưng nuôi theo mô hình này tỉ lệ cá hao hụt cao nên vợ chồng ông Xuân chuyển sang đào ao nuôi cá riêng biệt. Ban đầu ao nuôi cá của ông Xuân chỉ rộng 100m2, sau vài vụ nuôi, cá sinh trưởng tốt, cho thu nhập ổn định nên ông mở rộng diện tích ao lên 300m2.
Theo ông Xuân, cá trê ăn tạp nên có thể thay thế thức ăn công nghiệp bằng những loại thức ăn rẻ tiền có tại địa phương để giảm chi phí trong quá trình nuôi. Mỗi năm có thể thả nuôi được 2 lứa cá, sản lượng khoảng 600 kg/lứa/300m2; sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 50 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả của việc nuôi cá nước ngọt và nhu cầu nuôi của người dân, thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá và tham quan các mô hình nuôi cá nước ngọt cho người dân trong huyện học hỏi kinh nghiệm.
Mới đây, đơn vị này triển khai mô hình ương nuôi thử nghiệm cá giống và thương phẩm giống cá rô đầu vuông cho 20 hộ dân. Ông Nguyễn Thanh Xuân ở xã Hòa Thắng tham gia mô hình này, cho biết: “Tham gia mô hình nuôi thử nghiệm cá giống và thương phẩm giống cá rô đầu vuông, tôi được hỗ trợ 18kg cá giống, thả nuôi trong ao đất rộng 150m2.
Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá từ 10 đến 15 con/kg, sản lượng đạt 315kg, bán với giá 60.000 đồng/kg”. Theo ông Xuân, cá rô đầu vuông có thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, chưa thấy dịch bệnh, kỹ thuật nuôi dễ. Sau thành công bước đầu, gia đình ông vừa thả 10kg cá rô đầu vuông giống nuôi vụ mới.
Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Huyện đang có khoảng 12ha nuôi cá nước ngọt, tập trung tại các xã Hòa Thắng, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc, Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa.
Dù quy mô còn nhỏ lẻ, nhưng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình và đang được người dân quan tâm. Huyện đang có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho những nông dân có nhu cầu, nhằm từng nước phát triển nghề nuôi này trên diện rộng.
Có thể bạn quan tâm

Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về xã Phương Viên - một xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ) để tìm hiểu về trang trại chăn nuôi lợn thịt lớn nhất nơi đây. Đó là mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn thịt trị giá hơn 4 tỷ đồng mỗi năm của gia đình anh Nguyễn Đình Vân ở khu 9.

Để hạn chế dịch bệnh phát sinh thì chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học là phương pháp hiệu quả và an toàn hơn hết. Sau đây là một số lưu ý trong chăn nuôi gia cầm.

Mới 8 giờ sáng, trời đổ nắng gay gắt. Cả một vùng đất rộng lớn từ hồ Thành Sơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), đến đầu thôn Đồng Dày (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) cây cỏ khô héo, chuyển sang vàng. Giữa mênh mông nắng hạn, chỉ thấy nhấp nhô một màu trắng của những đàn cừu đang gặm cỏ.
Nghề nuôi chim yến trong nhà đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng, được cộng đồng rất quan tâm.

Hơn 40 năm "bén duyên" trên vùng đất phù sa màu mỡ của cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cây sầu riêng đã giúp nhiều nông dân trở thành triệu phú nhờ chuyên canh loại cây trồng đặc sản này, điển hình như ông Dương Văn Đây (sinh năm 1955), ngụ ấp Long Quới, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.