Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cải Tạo Đàn Bò Bằng Giống Bò Brahman

Cải Tạo Đàn Bò Bằng Giống Bò Brahman
Ngày đăng: 22/09/2014

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên (đội mũ) - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng với lãnh đạo Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh kiểm tra tình hình thực tế chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò.

Chương trình này được thực hiện từ năm 2012, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành lai tạo giống bò hướng thịt lai Brahman thông qua việc tuyển chọn bò cái lai Sind cho phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh của giống bò Brahman. Sau 2 năm triển khai, đến nay, đã có khoảng 300 con bê lai Brahman ra đời. Giống bò Brahman có nguồn gốc từ Ấn Độ, được nuôi chủ yếu ở các nước nhiệt đới để lấy thịt, trọng lượng tối đa của một con bò giống này có thể đạt 1 tấn. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, chất lượng con giống sản xuất nâng lên rõ rệt, khả năng tăng trọng nhanh.

Qua theo dõi cho thấy, bê lai hướng thịt có trọng lượng sơ sinh từ 19 - 20 kg, khỏe mạnh (cao hơn bê lai Sind từ 1 - 1,5 kg), trọng lượng 6 tháng tuổi đạt 90 kg, cao hơn 8 - 10 kg. Sau 2 năm nuôi, trọng lượng bò lai Brahman có thể đạt 400 kg, trọng lượng trưởng thành tăng 45% - 50% so với giống bò nội, tỷ lệ thịt xẻ cũng cao hơn 20% so với giống nội. Không chỉ có trọng lượng vượt trội so với giống bò vàng địa phương và bò lai Sind mà bò lai Brahman còn có ngoại hình đẹp, khả năng tăng trọng nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu của địa phương.

Với trọng lượng như vậy nên giá bán đối với những con bò lai không hề rẻ. Mục đích của chăn nuôi là hiệu quả kinh tế nên bò lai Brahman trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt cao đang là sự đáp ứng tốt những đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường. Một con bò thịt trưởng thành lai Braman với trọng lượng 400 kg có giá khoảng 40 triệu đồng, giá trị cao hơn khoảng 30% so với các giống bò khác.

Giống bò lai Brahman có khả năng tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao song đi liền với đó là những đòi hỏi cao hơn về quy trình chăm sóc tốt cũng như chế độ dinh dưỡng bảo đảm cung cấp đủ lượng thức ăn cho bò. Trung bình, một con bò trưởng thành cần cung cấp đủ lượng thức ăn từ 15 - 20 kg thức ăn thô xanh từ cỏ tươi, thân ngô, đọt mía... hoặc vào mùa đông, nguồn thức ăn xanh hạn chế hơn cần được bổ sung 2 - 4 kg cỏ khô mỗi ngày.

Do chế độ chăm sóc yêu cầu cao hơn so với các giống bò hiện tại nên song song với việc tổ chức nhân giống, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh còn tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về nuôi dưỡng, phòng bệnh, chăm sóc, chế biến, dự trữ thức ăn cho bò đến các hộ nông dân. Nhờ vậy, đến nay, gần 100% số bê sinh ra khỏe mạnh và không có bệnh tật, sinh trưởng tốt, được nông dân tin tưởng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho biết: “Việc lai tạo thành công giống bò này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tuy nhiên, để đạt được như vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích chăn nuôi bò cái lai Brahman để tăng thể trọng và chất lượng đàn bò hơn nữa. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống bò cái Brahman với các giống bò chuyên thịt chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa”.

Chăn nuôi bò đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi khi được quan tâm đúng mức về yếu tố con giống cũng như chế độ chăm sóc. Những giống vật nuôi mới, chất lượng cao cùng với sự đầu tư của các hộ nông dân cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước là tiền đề tốt để khôi phục đàn bò của tỉnh tăng về số lượng và đạt về chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

Bình Định đầu tư hơn 6.254 tỉ đồng thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Bình Định đầu tư hơn 6.254 tỉ đồng thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư trên 6.254 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương trên 22,181 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 23 tỉ đồng và vốn đầu tư của dân trên 6.208 tỉ đồng.

24/08/2015
Nông dân Đác Nông đánh cược với cây hồ tiêu Nông dân Đác Nông đánh cược với cây hồ tiêu

Trong nhiều năm gần đây, giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao, khiến nhiều nông dân Đác Nông đã đua nhau phá bỏ cây cao su, cà phê, chuyển đổi đất trồng cây hoa màu ngắn ngày. Thậm chí phá rừng, lấn chiếm đất rừng để ồ ạt trồng hồ tiêu, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp địa phương.

24/08/2015
Năng suất lúa Hè Thu đạt 6,5 tấn/ha Năng suất lúa Hè Thu đạt 6,5 tấn/ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch diện tích lúa Hè Thu được 119.723/300.997 ha, chiếm 39,78% diện tích gieo sạ. Năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 5,85 tấn/ha. Trong đó, huyện Tân Hiệp đã thu hoạch xong 36.655 ha, đạt 100% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt khá cao, đạt 6,5 tấn/ha và huyện Giồng Riềng đã thu hoạch được 44.960/46.511 ha, đạt 96,66% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha.

24/08/2015
Bến Tre xác định đúng loại sâu bệnh để có giải pháp phòng trị kịp thời Bến Tre xác định đúng loại sâu bệnh để có giải pháp phòng trị kịp thời

Diện tích ca cao trong tỉnh Bến Tre còn không nhiều, từ trên 10.000ha nay giảm còn trên dưới 2.500ha. Hiện nay, ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa đúng thì yếu tố sâu hại là vấn đề rất đáng lo ngại.

24/08/2015
Huyện Long Phú (Sóc Trăng) phát huy hiệu quả cánh đồng lúa lớn Huyện Long Phú (Sóc Trăng) phát huy hiệu quả cánh đồng lúa lớn

Thời gian qua, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, trong đó lúa là cây trồng chủ lực; Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định.

24/08/2015