Cải Tạo Đàn Bò Bằng Giống Bò Brahman

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên (đội mũ) - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng với lãnh đạo Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh kiểm tra tình hình thực tế chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò.
Chương trình này được thực hiện từ năm 2012, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành lai tạo giống bò hướng thịt lai Brahman thông qua việc tuyển chọn bò cái lai Sind cho phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh của giống bò Brahman. Sau 2 năm triển khai, đến nay, đã có khoảng 300 con bê lai Brahman ra đời. Giống bò Brahman có nguồn gốc từ Ấn Độ, được nuôi chủ yếu ở các nước nhiệt đới để lấy thịt, trọng lượng tối đa của một con bò giống này có thể đạt 1 tấn. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, chất lượng con giống sản xuất nâng lên rõ rệt, khả năng tăng trọng nhanh.
Qua theo dõi cho thấy, bê lai hướng thịt có trọng lượng sơ sinh từ 19 - 20 kg, khỏe mạnh (cao hơn bê lai Sind từ 1 - 1,5 kg), trọng lượng 6 tháng tuổi đạt 90 kg, cao hơn 8 - 10 kg. Sau 2 năm nuôi, trọng lượng bò lai Brahman có thể đạt 400 kg, trọng lượng trưởng thành tăng 45% - 50% so với giống bò nội, tỷ lệ thịt xẻ cũng cao hơn 20% so với giống nội. Không chỉ có trọng lượng vượt trội so với giống bò vàng địa phương và bò lai Sind mà bò lai Brahman còn có ngoại hình đẹp, khả năng tăng trọng nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu của địa phương.
Với trọng lượng như vậy nên giá bán đối với những con bò lai không hề rẻ. Mục đích của chăn nuôi là hiệu quả kinh tế nên bò lai Brahman trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt cao đang là sự đáp ứng tốt những đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường. Một con bò thịt trưởng thành lai Braman với trọng lượng 400 kg có giá khoảng 40 triệu đồng, giá trị cao hơn khoảng 30% so với các giống bò khác.
Giống bò lai Brahman có khả năng tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao song đi liền với đó là những đòi hỏi cao hơn về quy trình chăm sóc tốt cũng như chế độ dinh dưỡng bảo đảm cung cấp đủ lượng thức ăn cho bò. Trung bình, một con bò trưởng thành cần cung cấp đủ lượng thức ăn từ 15 - 20 kg thức ăn thô xanh từ cỏ tươi, thân ngô, đọt mía... hoặc vào mùa đông, nguồn thức ăn xanh hạn chế hơn cần được bổ sung 2 - 4 kg cỏ khô mỗi ngày.
Do chế độ chăm sóc yêu cầu cao hơn so với các giống bò hiện tại nên song song với việc tổ chức nhân giống, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh còn tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về nuôi dưỡng, phòng bệnh, chăm sóc, chế biến, dự trữ thức ăn cho bò đến các hộ nông dân. Nhờ vậy, đến nay, gần 100% số bê sinh ra khỏe mạnh và không có bệnh tật, sinh trưởng tốt, được nông dân tin tưởng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh cho biết: “Việc lai tạo thành công giống bò này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tuy nhiên, để đạt được như vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích chăn nuôi bò cái lai Brahman để tăng thể trọng và chất lượng đàn bò hơn nữa. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống bò cái Brahman với các giống bò chuyên thịt chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa”.
Chăn nuôi bò đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi khi được quan tâm đúng mức về yếu tố con giống cũng như chế độ chăm sóc. Những giống vật nuôi mới, chất lượng cao cùng với sự đầu tư của các hộ nông dân cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước là tiền đề tốt để khôi phục đàn bò của tỉnh tăng về số lượng và đạt về chất lượng.
Có thể bạn quan tâm

Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn vừa thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký văn bản về việc thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển, bởi vậy nhiều nhà vườn đang hy vọng một vụ mùa năng suất cao. Tuy nhiên, từ khoảng một tháng trở lại đây, nhiều nông dân khá lo lắng trước tình trạng cà phê liên tiếp bị rụng trái bởi bệnh nấm hồng.

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mô hình này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nguyên nhân chính của tình trạng khó khăn hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều nhà xuất khẩu. Lợi dụng thông lệ mua cá nguyên liệu của nông dân nợ 30 ngày mới trả tiền, một số nhà xuất khẩu cá tra không có vốn, không có nhà máy, hoạt động bằng cách chiếm dụng vốn người nuôi.

Tin từ các hộ trồng bắp không có hạt, hoặc có nhưng thưa và rất ít tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Những hộ trồng giống bắp AG500 của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang do một đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Châu Pha cung cấp trong vụ hè thu này sẽ được đơn vị cung ứng giống bắp bồi thường 1 triệu đồng/sào. Với mức bồi thường này, người trồng bắp đã được hỗ trợ một phần để tái sản xuất trong vụ tiếp theo.