Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cách làm vụ đông hiệu quả ở Diễn Châu

Cách làm vụ đông hiệu quả ở Diễn Châu
Ngày đăng: 03/09/2015

Đến xã Diễn Hùng, chúng tôi được chủ nhiệm HTX Phan Văn Hà dẫn đi thăm cánh đồng lạc đông của xã. Tuy mới bước vào đầu vụ gieo trồng nhưng những cánh đồng đã được phủ trắng nilon, mầm lạc đã nhú khỏi mặt đất. Là địa phương có truyền thống trồng lạc đông nên năm nào bà con cũng dành 82 ha, chiếm 50% tổng diện tích để trồng lạc đông.

Đây là vụ lạc để làm giống rất tốt nên dù lạc đông thường cho năng suất chỉ khoảng 22 đến 24 tạ/ha, nhưng bù lại giá lạc lại cao nên thu nhập của bà con vẫn đạt khoảng 50 triệu đồng/ha, gấp đôi so với trồng ngô. Chủ nhiệm HTX Diễn Hùng cho biết: Lạc vẫn là cây trồng an toàn trong vụ đông.

Nhà nào ở Diễn Hùng cũng gieo trồng từ 1 - 2 sào để vừa bán với giá cao, vừa làm giống. Bà con gieo từ giữa tháng 7 để thu hoạch sớm, né tránh bão lụt và đảm bảo quỹ đất cho sản xuất vụ xuân năm sau.

Ở các xã Diễn Xuân, Diễn Phong, Diễn Hồng, Diễn Thành rau màu lại là thế mạnh. Tại xã Diễn Xuân 30 héc ta rau vụ đông như cải, su hào, cải bắp, bí xanh đã được gieo trồng lên xanh. Ngoài ra sau khi thu hoạch lúa hè thu, 40 ha đất 2 lúa sẽ được bà con đưa vào trồng dưa chuột.

Chỉ riêng vụ đông chuyên canh rau màu, mỗi ha ở đây đã cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trong vụ đông này, xã thử nghiệm 5 ha dưa chuột, 10 ha rau sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và tìm thị trường đầu ra ổn định cho cây rau.

Ông Vương Viết Đình, cán bộ khuyến nông xã Diễn Xuân cho biết: Rau màu là cây trồng chủ lực trong vụ đông trên địa bàn xã. Với hiệu quả kinh tế cao, mỗi sào trồng rau đều đạt từ 5 - 6 triệu đồng/vụ nên bà con hầu như không cho đất nghỉ, mỗi vụ như vậy luân canh trồng được 2-3 lứa rau. Đặc biệt bà con rất tích cực mở rộng diện tích cây dưa chuột trên đất 2 lúa và đến nay đã hơn 40 ha.

Cây trồng mới trong vụ đông những năm gần đây ở Diễn Châu là đậu tương, bí đỏ, bí xanh, khoai lang lấy ngọn... Đây là những cây trồng rất phù hợp với chân đất 2 lúa và cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con tích cực đưa vào trồng. Tại xã Diễn Mỹ, trong 3 năm lại đây, xã đã chuyển đổi một số diện tích trồng khoai lang kém hiệu quả sang trồng cây đậu tương và ngô.

Để khuyến khích bà con mở rộng diện tích, UBND xã đã hỗ trợ bà con kinh phí phòng trừ sâu bệnh, đồng thời tổ chức tập huấn trước khi bước vào vụ sản xuất. Ông Hoàng Ngọc, Chủ tịch UBND xã, trao đổi: “Cây đậu tương rất phù hợp với chất đất 2 lúa, chi phí ít mà thu nhập khá cao, 1 sào cho thu hoạch từ 80 - 100 kg. Vì vậy mà vụ đầu tiên chúng tôi chỉ trồng được 3 ha thì nay đã mở rộng lên 9 ha”.

Đối với cây trồng chủ lực, để tăng hiệu quả kinh tế, ngoài việc cơ cấu các giống ngô nếp hàng hóa thì nhiều hộ nông dân ở Diễn Châu đã áp dụng phương thức trồng xen rau trong ngô. Như tại xã Diễn An, 100% diện tích ngô đông đều được trồng xen các loại rau cải, như vậy giá trị của 1 sào trồng ngô xen rau đã tăng thêm khoảng 400 ngàn đồng.

Đặc biệt, vụ đông này xã mở rộng diện tích khoai lang lấy ngọn lên 20 ha, đây là sản phẩm bán khá chạy ở các chợ và nhà hàng. Cứ khoảng 10 ngày, 1 sào khoai lang lấy ngọn cho thu hoạch được từ 250 bó, bán được khoảng 300 ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Diễn An cho biết: Một vụ rau thì rất ngắn ngày, hơn 1 tháng là đã có thu hoạch. Từ khi chuyển đổi đất theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy, ruộng của bà con bằng phẳng hơn, điều kiện chăm bón, tưới tiêu cũng tốt hơn nên bà con rất thích trồng rau hàng hóa, nhanh thu hoạch với giá trị cao.

Vụ đông 2015, Diễn Châu đặt chỉ tiêu phấn đấu gieo trồng với diện tích là 6.940 ha. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, kiên quyết không để đất bỏ hoang. Ngoài 4.000 ha ngô, 500 ha lạc đông, năm nay huyện tiếp tục mở rộng trên 1.800 ha cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: bí xanh, bí đỏ, cà chua, súp lơ, rau ngắn ngày, khoai lang ngọn; khoai tây, dưa chuột, đậu tương …

Hiện nay, huyện đã có 5 xã xây dựng được vùng chuyên canh rau màu hàng hoá trong vụ đông với tổng diện tích trên 200 ha, gồm: Diễn Phong, Diễn Hồng, Diễn Xuân, Diễn Thành và Diễn Thịnh.

Để từng bước mở rộng diện tích vụ đông gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, UBND huyện Diễn Châu đã chỉ đạo chặt chẽ từ khâu xây dựng phương án sản xuất, lịch gieo trồng cho từng loại cây trồng. Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật làm đất, làm bầu ươm cây con, phòng trừ sâu bệnh và hướng dẫn nông dân lựa chọn cây trồng phù hợp với chất đất.

Bên cạnh đó công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất theo mô hình sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP đang được chú trọng. Huyện cũng thực hiện cơ chế hỗ trợ 30% giá giống ngô trên đất hai lúa, hỗ trợ thực hiện mô hình rau VietGAP tại xã Diễn Thành.

Bên cạnh đó, các xã vùng màu đã đầu tư hàng chục km đường điện và đào trên 2000 giếng khoan trên đồng để lấy nước tưới cho cây trồng. Thông qua nguồn vốn 195 tỷ đồng từ dự án kênh tiêu vùng màu được Chính phủ đầu tư cho Diễn Châu, toàn huyện đã xây dựng được 110 km kênh mương cấp 1 và cấp 2 tại 16 xã. Hệ thống kênh mương được đầu tư thời gian qua đã phát huy hiệu quả chống ngập lụt, giúp nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích.

Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm mang lại thu nhập cao cho nông dân trên địa bàn. Chủ trương của huyện là sử dụng giống ngắn ngày để vừa quay vòng hệ số sử dụng đất nhanh và né tránh thiên tai. Các địa phương tập trung quy hoạch các vùng sản xuất gắn với quy hoạch nông thôn mới, cánh đồng có thu nhập cao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn các quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi mới có giá trị hàng hóa, tập huấn giải pháp hạn chế rủi ro trong vụ đông.


Có thể bạn quan tâm

Hậu Giang thả hơn 1,4 tấn cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản Hậu Giang thả hơn 1,4 tấn cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sáng ngày 16-6, tại Công viên 3 Tháng 2 (thị trấn Long Mỹ), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh tổ chức Lễ thả cá nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2015. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan và đông đảo người dân địa phương đến dự.

19/06/2015
Giá cua xanh tăng cao Giá cua xanh tăng cao

Theo thông tin từ các hộ nuôi cua xanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, giá cua xanh nuôi đìa đang ở mức khá cao. Cua gạch loại 1 khoảng 300.000 đồng/kg, cua gạch loại 2 hơn 200.000 đồng/kg, cua thịt 190.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn thời điểm cuối năm 2014 hơn 40%.

19/06/2015
Giá cá lóc thương phẩm tăng cao, nông dân lại ồ ạt mở rộng diện tích Giá cá lóc thương phẩm tăng cao, nông dân lại ồ ạt mở rộng diện tích

Hiện cá lóc phương phẩm mua tại ao có giá từ 37.000 đến 38.000đ/kg, người nuôi có lợi nhuận khá cao nhưng ít có sản phẩm để bán.

19/06/2015
Khó khăn cho người nuôi tôm ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) Khó khăn cho người nuôi tôm ở huyện Đông Hòa (Phú Yên)

Đến nay, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn huyện Đông Hòa (Phú Yên) chỉ đạt khoảng 50%. Nguyên nhân là do thời tiết bất lợi, bệnh tôm diễn biến phức tạp nên người nuôi không mạnh dạn đầu tư.

19/06/2015
Trường đại học Nông Lâm Huế nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá dìa Trường đại học Nông Lâm Huế nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá dìa

Lễ công bố thành công sinh sản nhân tạo cá dìa tại Thừa Thiên Huế vừa được Trường đại học Nông Lâm - Đại học Huế tổ chức ngày 16/6.

19/06/2015