Cách Bón Bùn Ao Cho Chuối?

Bùn ao là một sản phẩm tổng hợp của quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong lá cây, cỏ rác, trong xác hoặc phân của động vật thủy sinh... do vậy thành phần dinh dưỡng của bùn ao khá phong phú và được coi như một loại phân hữu cơ có giá trị, vì thế bón bùn ao cho cây chuối hoặc những cây ăn trái khác là rất tốt.
Mặt khác bùn ao còn có một ưu điểm khác là phân giải từ từ, cung cấp chất dinh dưỡng dần dần và liên tục cho cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển đều đều, không gây hiện tượng “no dồn đói góp” hoặc “bạo phát bạo tàn” như các loại phân vô cơ. Mặc dù tốt như vậy, nhưng nếu không biết cách bón thì có thể để lại những ảnh hưởng xấu cho cây.
Trong bùn ao luôn luôn có nước, khi được bồi lên trên mặt vườn một lớp tương đối dày như vậy thì đã có rất nhiều nước ngấm xuống mặt vườn (là vùng phân bố rễ của cây chuối), số nước này đã đẩy không khí tại chỗ ra ngoài, không những thế lớp bùn dày phía bên trên lại ngăn không cho không khí lưu thông xuống vùng rễ của cây chuối. Mà đối với đất trồng chuối thì các tế khổng trong đất phải chứa ít nhất từ 25-30% không khí thì rễ chuối mới phát triển được.
Nếu đất thiếu không khí, bộ rễ của cây chuối sẽ thiếu oxy để hô hấp, đồng thời còn bị ngộ độc khí CO2 từ rễ không thoát ra ngoài được, làm cho rễ bị nghẹt và hư thối. Hiện tượng nghẹt rễ còn làm cho cây bị stress sản sinh ra nhiều Ethylene bên trong gây ngộ độc cho cây.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho lá chuối bị vàng, buồng (quầy) chuối ngắn, nải đóng khít, trái nhỏ, ruột bị vàng... rễ chuối, củ chuối thối dần, không hút được nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây, nếu không có biện pháp cứu chữa kịp thời có thể làm cho cây bị chết.
Để khắc phục tình trạng trên, nên vét bùn ao (hoặc mương vườn) vào mùa khô, rải bùn thành một lớp mỏng khoảng 3- 4cm lên mặt vườn và cách xa gốc cây chuối khoảng 0,5m (tuyệt đối không được đổ bùn đầy và trùm kín cả mặt vườn), hoặc rải bùn ở nơi khác chờ khi nào bùn khô rồi bóc lấy lớp bùn này đập nhỏ rải đều lên mặt vườn thành một lớp mỏng. Khi gặp mưa hoặc tưới nước chất dinh dưỡng trong bùn sẽ được hòa tan dần và cung cấp từ từ cho cây chuối, vườn chuối sẽ phát triển rất tốt.
Có thể bạn quan tâm

Cây chuối có tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae. Chuối là loại cây ăn quả nhiệt đới, ngắn ngày, dễ trồng và cho sản lượng khá cao, trung bình có thể đạt năng suất 20-30 tấn/ha

Cây chuối sinh trưởng hàng năm, sinh trưởng nhanh và sản lượng nhiều, đặc điểm khí hậu nước ta nóng và mưa nhiều, nên phân bón rất dễ bị tan chảy. Vì vậy, bón phân cho cây chuối phải bón ít bón đều, phải theo nguyên tắc bón nhiều vào thời kỳ cần thiết.

Chuối là cây thân giả, do bẹ lá hợp thành (còn thân thật chính là "củ" chuối, lại có lá to, thuộc loai lớn nhất trong các loài thảo mộc nhiệt đới), nên diện "cản phong cản vũ" rất lớn, dễ bị xiêu đổ trong mùa mưa bão. Những cây đã bị quật ngã nếu dựng lại cũng bị suy giảm năng suất phẩm chất nông sản, rất dễ bị "thâm rễ thối mầm"...

Cân đối đạm-kali cho chuối có tầm quan trọng đặc biệt, tuy nhiên tỷ lệ canxi và magiê cũng rất quan trọng vì chúng chi phối hiệu lực của kali

Thử làm phép tính so sánh, một quày chuối Việt Nam hiếm khi nặng quá 30kg, trong khi chuối Nam Mỹ có mức tối thiểu là 35kg, tối đa được 50kg/quày, khi ăn có mùi thơm và dẻo hơn so với chuối Việt - đây cũng là lý do được thị trường thế giới ưa chuộng