Cacao Được Mùa, Giá Tăng 30% So Với Cùng Kỳ Năm Ngoái

Theo nhiều hộ trồng cacao ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, vụ thu hoạch cacao năm nay không chỉ đạt về sản lượng mà còn được cả giá bán.
Hiện giá cacao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với được mùa, được giá, một số doanh nghiệp còn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay diện tích cây cacao cho thu hoạch trong tỉnh có khoảng 1.000 ha, năng suất bình quân khoảng 10 tấn hạt tươi/ha, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc đặt tại thị xã Long Khánh nhận xét: mặc dù được cho là cơ hội vàng cho ngành cacao Việt Nam khi được mùa, được giá, nhưng muốn nắm được cơ hội này, địa phương cần tính đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất. Hiện nay doanh nghiệp và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang triển khai đề tài mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến cacao chất lượng.
Theo đó, giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ xây dựng mô hình thí điểm trồng cacao năng suất với vườn cây giống đầu dòng để tạo ra những giống tốt, năng suất cao từ đó nhân rộng ra cho nông dân.
Trong khi đó, ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn cacao Trọng Đức (huyện Định Quán - Đồng Nai) cho biết, hiện doanh nghiệp đang liên kết với nông dân tại 4 huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc để phát triển vùng chuyên canh cacao trồng xen cây điều với diện tích 1.000 ha. Trong đó, các hợp tác xã ở các huyện trên sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ ký kết, chuyển giao cho các hợp tác xã máy móc thiết bị và công nghệ sơ chế trái cacao, cung cấp giống cacao, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với mặt bằng thu mua chung của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, Tiền Giang xây dựng được vùng trồng chuyên canh dừa gần 15.000 ha, vượt gần 3% so kế hoạch cả năm và tăng 2% so cùng kỳ năm trước. Diện tích dừa tập trung tại các huyện ven biển nhiều khó khăn phía Đông: Tân Phú Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây… Tỉnh tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhằm tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng thị trường, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Từ hiệu quả kinh tế cây chuối mô mang lại, năm 2015 nông dân thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (Mường Khương - Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư trồng mới thêm 25 ha cây chuối mô, nâng tổng diện tích cây chuối mô tại huyện Mường Khương lên hơn 304 ha.

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.

Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.