Cacao Được Mùa, Giá Tăng 30% So Với Cùng Kỳ Năm Ngoái

Theo nhiều hộ trồng cacao ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, vụ thu hoạch cacao năm nay không chỉ đạt về sản lượng mà còn được cả giá bán.
Hiện giá cacao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với được mùa, được giá, một số doanh nghiệp còn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay diện tích cây cacao cho thu hoạch trong tỉnh có khoảng 1.000 ha, năng suất bình quân khoảng 10 tấn hạt tươi/ha, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc đặt tại thị xã Long Khánh nhận xét: mặc dù được cho là cơ hội vàng cho ngành cacao Việt Nam khi được mùa, được giá, nhưng muốn nắm được cơ hội này, địa phương cần tính đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất. Hiện nay doanh nghiệp và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang triển khai đề tài mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến cacao chất lượng.
Theo đó, giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ xây dựng mô hình thí điểm trồng cacao năng suất với vườn cây giống đầu dòng để tạo ra những giống tốt, năng suất cao từ đó nhân rộng ra cho nông dân.
Trong khi đó, ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn cacao Trọng Đức (huyện Định Quán - Đồng Nai) cho biết, hiện doanh nghiệp đang liên kết với nông dân tại 4 huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc để phát triển vùng chuyên canh cacao trồng xen cây điều với diện tích 1.000 ha. Trong đó, các hợp tác xã ở các huyện trên sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ ký kết, chuyển giao cho các hợp tác xã máy móc thiết bị và công nghệ sơ chế trái cacao, cung cấp giống cacao, phân bón và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với mặt bằng thu mua chung của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Tổ hợp tác rau sạch thôn 4 xã Tâm Thắng đã phát triển được gần 20 ha rau sạch với sự tham gia tích cực của 10 thành viên. Trong thời gian qua, cùng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT, các thành viên trong tổ hợp tác đã chú trọng công tác áp dụng các loại giống cây mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo đó, tính đến nay tổ hợp tác đã trồng các loại rau như: dưa leo, mướp đắng, đậu cô ve, rau cải bắp…

Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.

Nhằm khai thác thế mạnh vùng nước ngọt để phát triển nuôi thủy sản, tỉnh Long An quy hoạch đến năm 2020 chuyển 10.000 ha đất trồng lúa 2 vụ sang nuôi trồng thủy sản, để cân đối lại diện tích sản xuất lúa trong tỉnh.

Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.