Các Trang Trại Gà Đẻ Trứng Cận Kề Nguy Cơ Phá Sản

Gần 5 tháng nay, giá trứng gà luôn nằm dưới giá thành khiến các trang trại nuôi gà đẻ trứng luôn trong tình trạng thua lỗ. Trong thời gian tới, nếu giá trứng không tăng, có khả năng nhiều trang trại sẽ phải đóng cửa.
Ông Dương Quốc Cường (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang trộn thức ăn cho gà đẻ trứng để hạ chi phí chăn nuôi.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, lượng trứng gà kiểm dịch xuất trại hiện đã giảm trên 30%. Nguyên nhân là do giá trứng liên tục dưới giá thành từ 300 - 600 đồng/trứng, nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng đã phải giảm đàn để bớt lỗ.
* Cầm cự đợi giá tăng
Ông Phạm Văn Cường, chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô 40 ngàn con ở ấp Tây Nam, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nói: “Hơn 7 năm nuôi gà đẻ trứng, chưa khi nào giá trứng giảm sâu và lâu như vậy, hiện chỉ còn 800-900 đồng/trứng. Với tổng đàn khoảng 40 ngàn con, tôi lỗ 12 triệu đồng/ngày”. Ông Cường cho biết thêm, dù lỗ rất nhiều nhưng ông vẫn ráng cầm cự mong giá tăng, dù không biết đợi đến bao giờ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ trại gà đẻ trứng ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Với tổng đàn khoảng 30 ngàn con, chỉ trong mấy tháng tôi lỗ hơn 1 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài vài tháng nữa thì tôi phải đóng cửa trại vì không còn đủ vốn để duy trì”.
Theo các trang trại nuôi gà đẻ trứng, giá trứng giảm xuống dưới giá thành từ đợt dịch cúm gia cầm vào cuối tháng 12-2013. Lúc đó, dịch cúm bùng phát người tiêu dùng lo ngại, giảm tiêu thụ cả gà thịt lẫn trứng.
Nhưng dịch đã hết hơn 2 tháng nay, giá gà thịt cũng đã tăng trở lại ở mức 43-46 ngàn đồng/kg, giúp người nuôi cắt lỗ, riêng giá trứng vẫn chưa tăng trở lại. “Trứng gà Ai Cập trên thị trường không nhiều, trước đây tôi luôn bán giá 25-26 ngàn đồng/chục.
Giá loại trứng này ít bị ảnh hưởng như trứng gà công nghiệp, nhưng 5 tháng nay lại đột ngột giảm xuống còn 19-20 ngàn đồng/chục” - ông Dương Quốc Cường, ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cho hay. Để huề vốn, ông Cường buộc phải tự mua nguyên liệu trộn thức ăn nhằm hạ giá thành.
* Đi tìm giải pháp
Theo Chi cục Thú y tỉnh, tổng đàn gà đẻ trứng của Đồng Nai là gần 2,6 triệu con. Mỗi tháng, các trang trại cung cấp cho thị trường gần 40 triệu quả trứng. Thế nhưng, do giá trứng gần 5 tháng qua luôn nằm dưới giá thành, nhiều trại không cầm cự được đã phải giảm đàn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hàng loạt trang trại gà đẻ trứng lớn trên địa bàn tỉnh phải giảm đàn để bớt lỗ. Song nhiều trang trại không dám ngưng hẳn vì vốn bỏ ra đầu tư khá lớn, khoảng 1 tỷ đồng/trại quy mô 10 ngàn con. Trước tình hình này, hiệp hội khuyến khích người chăn nuôi nên tự mua nguyên liệu, tự trộn thức ăn để giảm giá thành và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí nhằm duy trì qua đợt khủng hoảng giá”.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam Sooksunt Jiumjaiswanglerg nhận xét: “Trong điều kiện giá trứng giảm sâu dưới giá thành như hiện nay, nếu các trang trại chăn nuôi trong tỉnh không liên kết lại tạo ra một chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, không cùng chia sẻ khó khăn, lợi nhuận thì rất khó duy trì. Phía Nhà nước cũng phải hỗ trợ cho người chăn nuôi về vốn, quản lý thị trường tốt thì ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững”.
Thực tế, dù giá trứng ở các trại đã giảm xuống còn 800-900 đồng/trứng nhưng tại các siêu thị, chợ giá trứng vẫn từ 1.800 - 2.400 đồng/chục. Lý giải việc giá trứng tại các trại thấp, bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao, một số thương lái cho biết, hiện cước vận chuyển tăng nên họ không thể giảm giá trứng nhiều. Còn thực chất cước vận chuyển, hao hụt có tăng cao đến mức khiến cho trái trứng từ trại đến tay người tiêu dùng tăng gấp 2-2,5 lần hay không vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Văn Ninh, chủ trang trại gà ấp Nam Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) bày tỏ: “Trước đây giá trứng tại trại và giá trứng bán cho người tiêu dùng chỉ chênh nhau 1,5-1,6 lần, nhưng nay chênh đến 2,5 lần. Nhà nước nên coi lại xem như vậy có hợp lý chưa. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, các trang trại nuôi gà đẻ trứng sẽ bị xóa sổ”.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, thanh long ruột trắng đang ở thời điểm nghịch mùa, trong khi thanh long ruột đỏ vẫn còn cho trái mùa thuận nên giá hai loại thanh long này chênh lệch nhau không nhiều. Tuy nhiên, giá thanh long thời điểm này ở mức rất cao, nhất là thanh long ruột trắng nên nông dân trồng thanh long rất phấn khởi do có lợi nhuận cao.

Nguyên nhân là do nông dân trồng bưởi tập trung cho vụ bưởi tết nên hiện không có bưởi cung cấp ra thị trường. Giá mít bán tại vườn tùy loại có mức từ 8 - 12 ngàn đồng/kg, tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Ổi giống Đài Loan cũng đứng ở mức 9 ngàn đồng/kg, tăng 4 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, các mặt hàng sầu riêng, chôm chôm, xoài, thanh long... cũng bán được giá cao do trái mùa.

Bên cạnh thương hiệu măng cụt Lái Thiêu (TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) và gần đây là măng cụt Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) nhiều lần được xếp hạng nhất, nhì trái cây ngon trong Lễ hội trái cây Nam bộ tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM), vùng đất Bình Dương còn một nơi trồng măng năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chưa được “khám phá”, đó là xã An Tây (TX.Bến Cát).

Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Khuông (68 tuổi) ở ấp 2, xã Minh Đức (Hớn Quản - Bình Phước) đã sở hữu 9 ha trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Gia đình ông còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Riêng THT chôm chôm Phú Phụng và THT bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh (Bến Tre) được công nhận GlobalGAP. Mỗi THT có diện tích từ 3 đến dưới 20ha. Chi phí đầu tư cho THT được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP thấp nhất hơn 100 triệu đồng và cao nhất hơn 700 triệu đồng. Chứng nhận GlobalGAP có thời hạn 3 năm nhưng mỗi năm phải tiến hành tái chứng nhận.