Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Các Trang Trại Gà Đẻ Trứng Cận Kề Nguy Cơ Phá Sản

Các Trang Trại Gà Đẻ Trứng Cận Kề Nguy Cơ Phá Sản
Ngày đăng: 14/05/2014

Gần 5 tháng nay, giá trứng gà luôn nằm dưới giá thành khiến các trang trại nuôi gà đẻ trứng luôn trong tình trạng thua lỗ. Trong thời gian tới, nếu giá trứng không tăng, có khả năng nhiều trang trại sẽ phải đóng cửa.

Ông Dương Quốc Cường (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang trộn thức ăn cho gà đẻ trứng để hạ chi phí chăn nuôi.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, lượng trứng gà kiểm dịch xuất trại hiện đã giảm trên 30%. Nguyên nhân là do giá trứng liên tục dưới giá thành từ 300 - 600 đồng/trứng, nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng đã phải giảm đàn để bớt lỗ.

* Cầm cự đợi giá tăng

Ông Phạm Văn Cường, chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô 40 ngàn con ở ấp Tây Nam, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nói: “Hơn 7 năm nuôi gà đẻ trứng, chưa khi nào giá trứng giảm sâu và lâu như vậy, hiện chỉ còn 800-900 đồng/trứng. Với tổng đàn khoảng 40 ngàn con, tôi lỗ 12 triệu đồng/ngày”. Ông Cường cho biết thêm, dù lỗ rất nhiều nhưng ông vẫn ráng cầm cự mong giá tăng, dù không biết đợi đến bao giờ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ trại gà đẻ trứng ấp 3, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “Với tổng đàn khoảng 30 ngàn con, chỉ trong mấy tháng tôi lỗ hơn 1 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài vài tháng nữa thì tôi phải đóng cửa trại vì không còn đủ vốn để duy trì”.

Theo các trang trại nuôi gà đẻ trứng, giá trứng giảm xuống dưới giá thành từ đợt dịch cúm gia cầm vào cuối tháng 12-2013. Lúc đó, dịch cúm bùng phát người tiêu dùng lo ngại, giảm tiêu thụ cả gà thịt lẫn trứng.

Nhưng dịch đã hết hơn 2 tháng nay, giá gà thịt cũng đã tăng trở lại ở mức 43-46 ngàn đồng/kg, giúp người nuôi cắt lỗ, riêng giá trứng vẫn chưa tăng trở lại. “Trứng gà Ai Cập trên thị trường không nhiều, trước đây tôi luôn bán giá 25-26 ngàn đồng/chục.

Giá loại trứng này ít bị ảnh hưởng như trứng gà công nghiệp, nhưng 5 tháng nay lại đột ngột giảm xuống còn 19-20 ngàn đồng/chục” - ông Dương Quốc Cường, ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cho hay. Để huề vốn, ông Cường buộc phải tự mua nguyên liệu trộn thức ăn nhằm hạ giá thành.

* Đi tìm giải pháp

Theo Chi cục Thú y tỉnh, tổng đàn gà đẻ trứng của Đồng Nai là gần 2,6 triệu con. Mỗi tháng, các trang trại cung cấp cho thị trường gần 40 triệu quả trứng. Thế nhưng, do giá trứng gần 5 tháng qua luôn nằm dưới giá thành, nhiều trại không cầm cự được đã phải giảm đàn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hàng loạt trang trại gà đẻ trứng lớn trên địa bàn tỉnh phải giảm đàn để bớt lỗ. Song nhiều trang trại không dám ngưng hẳn vì vốn bỏ ra đầu tư khá lớn, khoảng 1 tỷ đồng/trại quy mô 10 ngàn con. Trước tình hình này, hiệp hội khuyến khích người chăn nuôi nên tự mua nguyên liệu, tự trộn thức ăn để giảm giá thành và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí nhằm duy trì qua đợt khủng hoảng giá”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam Sooksunt Jiumjaiswanglerg nhận xét: “Trong điều kiện giá trứng giảm sâu dưới giá thành như hiện nay, nếu các trang trại chăn nuôi trong tỉnh không liên kết lại tạo ra một chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, không cùng chia sẻ khó khăn, lợi nhuận thì rất khó duy trì. Phía Nhà nước cũng phải hỗ trợ cho người chăn nuôi về vốn, quản lý thị trường tốt thì ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững”.

Thực tế, dù giá trứng ở các trại đã giảm xuống còn 800-900 đồng/trứng nhưng tại các siêu thị, chợ giá trứng vẫn từ 1.800 - 2.400 đồng/chục. Lý giải việc giá trứng tại các trại thấp, bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao, một số thương lái cho biết, hiện cước vận chuyển tăng nên họ không thể giảm giá trứng nhiều. Còn thực chất cước vận chuyển, hao hụt có tăng cao đến mức khiến cho trái trứng từ trại đến tay người tiêu dùng tăng gấp 2-2,5 lần hay không vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Ông Nguyễn Văn Ninh, chủ trang trại gà ấp Nam Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) bày tỏ: “Trước đây giá trứng tại trại và giá trứng bán cho người tiêu dùng chỉ chênh nhau 1,5-1,6 lần, nhưng nay chênh đến 2,5 lần. Nhà nước nên coi lại xem như vậy có hợp lý chưa. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, các trang trại nuôi gà đẻ trứng sẽ bị xóa sổ”.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Đồng Đất Quê Hương Làm Giàu Từ Đồng Đất Quê Hương

Tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Thành Đam, xã Hải Châu (Hải Hậu - Nam Định) thi vào Khoa Kế toán Trường Trung cấp Nông nghiệp Nam Định, rồi liên thông đại học của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2003, anh bàn với bố mẹ nhận đấu thầu 3 mẫu đầm nuôi tôm sú và cua.

06/05/2014
Xử Lý Nghiêm Việc Đưa Nước Mặn Vào Vùng Lúa 2 Vụ Để Nuôi Tôm Xử Lý Nghiêm Việc Đưa Nước Mặn Vào Vùng Lúa 2 Vụ Để Nuôi Tôm

Huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa thành lập đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế về thực trạng người dân ấp 2, xã Tân Lộc tự ý đưa nước mặn vào vùng đất sản xuất lúa 2 vụ để nuôi tôm.

06/05/2014
Tín Hiệu Vui Từ Sản Xuất Cá Tra Tín Hiệu Vui Từ Sản Xuất Cá Tra

Sở NNPTNT Bến Tre, Vĩnh Long cho biết hiện nay cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong tháng tăng nhẹ, dao động từ 24.500-25.500 đồng/kg, người nuôi bắt đầu có lãi.

06/05/2014
Nghiêm Cấm Khai Thác, Sử Dụng Nước Ngầm Để Nuôi Trồng Các Loài Thủy Sản Nghiêm Cấm Khai Thác, Sử Dụng Nước Ngầm Để Nuôi Trồng Các Loài Thủy Sản

Để đảm bảo không làm ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và không gây ô nhiễm mặn nguồn nước mặt do khoan khai thác nước dưới đất để nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn chỉ đạo về việc cấm khai thác, sử dụng nước dưới đất để nuôi tôm thẻ chân trắng và các loài thủy sản khác.

06/05/2014
Nuôi Ba Ba Ở Xứ Núi Nuôi Ba Ba Ở Xứ Núi

Trên những miền quê của huyện Tri Tôn (An Giang), nhiều mô hình làm ăn đã và đang phát huy hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi ba ba giống. Anh Huỳnh Văn Sen (ngụ ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) là một trong số ít người thực hiện thành công mô hình nuôi ba ba giống tại vùng này.

06/05/2014