Các Giải Pháp Tăng 1 Triệu Tấn Lúa Trong Năm 2011

Theo dự tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để tăng thêm 1 triệu tấn lúa trong năm 2011 như chỉ đạo của Chính phủ, sẽ cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như chuyển đổi thời vụ, bố trí giống hợp lý trên cả nước, trong đó trọng tâm là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với việc chuyển đổi thời vụ lúa Hè Thu và tăng diện tích lúa Thu Đông.
Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ phấn đấu xuống giống lúa cả năm 2011 đạt hơn 4,47 triệu ha, ước tính năng suất bình quân toàn vùng đạt 54,5 tạ/ha, sản lượng đạt 24,38 triệu tấn, tăng 869.332 tấn so với năm 2010.
Cùng với đó, tại các vùng trồng lúa khác như đồng bằng sông Hồng và Trung Bộ cần tăng khoảng 131.000 tấn.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, ở Nam Bộ, chủ yếu là Đồng bằng sông Cửu Long tập trung mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng,” đặc biệt chú ý tăng sử dụng giống xác nhận và tăng diện tích thu hoạch bằng máy, tăng lò sấy lúa. Vùng này triển khai thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật (theo tiêu chuẩn VietGAP) và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Các địa phương chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa và chủ động đối phó hiệu quả với hạn, lũ, xâm nhập mặn.
Vụ lúa Hè Thu 2011 tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tập trung chuyển đổi thời vụ xuống giống lúa, ngoài diện tích đã xuống giống trong tháng 3 (khoảng 150.000ha), các địa phương vùng ảnh hưởng lũ phía Bắc quốc lộ 1, vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu tập trung xuống giống trong tháng Tư, với diện tích chiếm khoảng 950.000ha, bằng 70% kế hoạch. Số còn lại xuống giống trong tháng Năm, với một số vùng sử dụng nước trời xuống giống kết thúc vào 10 ngày đầu tháng Sáu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc chuyển đổi thời vụ này giúp tăng sản lượng thu hoạch lúa Hè Thu trong tháng Bảy, đây là thời điểm ít mưa hơn tháng Tám, chất lượng lúa tốt hơn, phơi sấy thuận lợi và hạn chế thất thoát sau thu hoạch.
Cùng với đó, các địa phương sẽ có thời gian chuẩn bị, giãn cách và điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích lúa Thu Đông.
Sau khi rà soát điều kiện sản xuất lúa Thu Đông ở các địa phương, Bộ Nông nghiệp nhận định có thể tăng thêm 94.000ha lúa, nâng tổng diện tích xuống giống tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long lên hơn 600.372ha. Các địa phương cần củng cố đê bao, hệ thống bơm điện và khai thác khả năng tăng diện tích lúa Thu Đông trong hệ thống sản xuất tôm-lúa ở các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trình Chính phủ xem xét hỗ trợ gần 200 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để gia cố bờ bao, bơm tát, lúa giống... đối với diện tích lúa Thu Đông tăng thêm.
Đối với các vùng trồng lúa khác, giải pháp tăng sản lượng chủ yếu bằng tăng năng suất, nhất là không để thiệt hại do dịch bệnh và tích cực phòng chống hạn. Trước mắt, các tỉnh phía Bắc tập trung chỉ đạo làm tốt vụ Đông Xuân 2010-2011.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm nay, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) triển khai xây dựng thí điểm 2 vùng sản xuất lúa lai giống LC212 và Syn 6 với tổng diện tích 27ha tại các xóm: Vinh Quang 1, Vinh Quang 2; Tân Sơn và Sơn Tía. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cấy được 2 vụ/năm, năng suất cao, khả năng đẻ nhánh tập trung, cứng cây, bông to, và khả năng chống chịu khá với một số loại sâu, bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu...

Trong lúc bạn bè cùng trang lứa rủ nhau rời quê đi làm ăn xa thì cô gái xứ Thanh 26 tuổi Phạm Thị Xuyến quyết tâm ở lại làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương với mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chủ lực là cây phật thủ.

Cả xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP HCM) có hơn 100 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận từ 100 triệu đến hơn 3 tỷ đồng/năm.

Từ những kết quả trên, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã và đang nhân rộng mô hình ra những vùng nước mặn lợ nuôi tôm kém hiệu quả. Thành công của mô hình góp phần giúp bà con vùng nuôi tìm ra được đối tượng nuôi thích hợp, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Dù đã bước vào mùa lũ nhưng do lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên còn hạn chế, nguồn cung một số loại cá nuôi giảm so với trước nên giá nhiều loại thủy sản vẫn duy trì ở mức giá khá cao. Thậm chí, một số mặt hàng, như: cá lóc, lươn… tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, gần đây giá các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục đứng ở mức cao cũng là nguyên nhân giá các loại thủy sản khó "hạ nhiệt".