Cá Tra Việt Nam Đủ Chuẩn Vào Thị Trường Khó Tính

Trước thông tin cá tra Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu vào Liên bang Nga vì lý do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao.
Có nhu cầu khá lớn về thủy sản nhập khẩu, trong đó có cá tra, tuy nhiên, Liên bang Nga có yêu cầu khá cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Theo ông Phạm Quang Niệm – Tham tán Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga và Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan dựa trên tiêu chuẩn của Liên Xô trước kia. Nhiều tiêu chí của tiêu chuẩn này còn cao hơn EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỗi năm, các đoàn thanh tra của Liên bang Nga đều đến Việt Nam để kiểm tra các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu và đã có một số DN bị đưa vào diện cảnh báo hoặc cấm xuất khẩu sản phẩm sang Nga. Ngày 31-1-2014, phía Nga cũng có lệnh tạm ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra của họ đến kiểm tra tại tám nhà máy chế biến cá tra xuất sang Nga hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, Vasep cho biết, những sự cố vừa qua chỉ xảy ra với một số lô hàng của một số ít DN, chứ không phải tình trạng chung của ngành thủy sản Việt Nam. Việt Nam đã gia nhập WTO nên những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khá đồng nhất so với Liên bang Nga cũng như thế giới.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao như EU. Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều DN đã đạt được những chứng nhận quốc tế như BAP (tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và Global GAP…
Thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cũng được chứng minh đã đạt được những tiêu chuẩn tốt khi ngày càng tạo được niềm tin cho các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, EU… Bằng nhiều nỗ lực, Vasep cùng với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực làm việc với phía Nga để giải quyết vấn đề này, sớm đưa cá tra trở lại thị trường Nga.
Xét về tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga, ông Phạm Quang Niệm cho hay, nhu cầu thủy hải sản của Liên bang Nga khá lớn, trong khoảng 3,1-3,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Vasep cho biết, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga mới đạt hơn 100 triệu USD, chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Do đó, Nga là một thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt Nam, bởi mối quan hệ lâu đời, người Nga có nhiều thiện cảm với hàng Việt so với hàng hóa các nước khác. Liên bang Nga cũng là một thị trường lớn với dân số rất đông.
Tuy nhiên, để tận dụng và chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này, các DN Việt Nam cần chú ý chấn chỉnh, duy trì, bảo đảm chất lượng hàng thủy sản phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga và Liên minh hải quan từ khâu nuôi, chế biến, bảo quản, vận chuyển… vì thị trường Nga đòi hỏi rất cao về chất lượng. Thực tế, đã có những DN có thời điểm đã bị cấm xuất khẩu thủy sản vào Nga, nhưng sau đó, nhờ những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm nên vẫn quay lại được thị trường này.
Bên cạnh đó, DN nên tham gia nhiều hội chợ - triển lãm hàng thực phẩm tại các thành phố lớn của Nga, một đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. “Đối tác Nga có thói quen trực tiếp xem hàng để thiết lập quan hệ, chứ ít khi qua các trang website để tìm đối tác” – ông Niệm khẳng định.
Nếu xét về con số kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản, Nga chưa phải là thị trường lớn của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, thì Nga vẫn có thể là một thị trường tốt, nếu ta biết tận dụng.
Có thể bạn quan tâm

Phước Kháng là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Trong chiến tranh, nhân dân Phước Kháng đoàn kết, một lòng theo Đảng, đấu tranh bảo vệ quê hương. Phát huy truyền thống đó, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Raglai ở Phước Kháng hôm nay đang tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nông dân Nguyễn Đức Minh, 48 tuổi, kiên trì bám “nước” làm giàu trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước ở xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải.

Sau khi thu hái trái điều chín tách hạt, đem ủ với bột sắn, hoặc rơm khô theo tỷ lệ 6% và 9%. Thời gian ủ trái điều trên 90 ngày là vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm. Sử dụng loại sản phẩm này làm thức ăn cho bò khi khan hiếm cỏ tươi. Bò sử dụng nguồn thức ăn bổ sung này đã phát triển và sinh trưởng tốt, tăng trọng cao.

Trong đó, diện tích sản xuất muối công nghiệp của các doanh nghiệp như Đầm Vua, Tri Thủy chiếm trên 700 ha, còn lại là diện tích sản xuất muối thương phẩm của diêm dân các xã Nhơn Hải, Tri Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải khoảng 450 ha, tăng gần 120 ha so với năm 2008.

Anh Nguyễn Văn Thắng là người đầu tiên “di thực” cây trôm từ vùng đất đồi núi Hòn Bà thuộc xã Phước Nam về trồng trên đồng đất màu mỡ xã Nhơn Sơn cho mủ chất lượng cao.