Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Việt Nam Đủ Chuẩn Vào Thị Trường Khó Tính

Cá Tra Việt Nam Đủ Chuẩn Vào Thị Trường Khó Tính
Ngày đăng: 21/03/2014

Trước thông tin cá tra Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu vào Liên bang Nga vì lý do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao.

Có nhu cầu khá lớn về thủy sản nhập khẩu, trong đó có cá tra, tuy nhiên, Liên bang Nga có yêu cầu khá cao về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Theo ông Phạm Quang Niệm – Tham tán Thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga và Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan dựa trên tiêu chuẩn của Liên Xô trước kia. Nhiều tiêu chí của tiêu chuẩn này còn cao hơn EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mỗi năm, các đoàn thanh tra của Liên bang Nga đều đến Việt Nam để kiểm tra các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu và đã có một số DN bị đưa vào diện cảnh báo hoặc cấm xuất khẩu sản phẩm sang Nga. Ngày 31-1-2014, phía Nga cũng có lệnh tạm ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam sau khi đoàn thanh tra của họ đến kiểm tra tại tám nhà máy chế biến cá tra xuất sang Nga hồi cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, Vasep cho biết, những sự cố vừa qua chỉ xảy ra với một số lô hàng của một số ít DN, chứ không phải tình trạng chung của ngành thủy sản Việt Nam. Việt Nam đã gia nhập WTO nên những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khá đồng nhất so với Liên bang Nga cũng như thế giới.

Ông Dũng cho biết thêm, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao như EU. Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều DN đã đạt được những chứng nhận quốc tế như BAP (tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và Global GAP…

Thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cũng được chứng minh đã đạt được những tiêu chuẩn tốt khi ngày càng tạo được niềm tin cho các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, EU… Bằng nhiều nỗ lực, Vasep cùng với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực làm việc với phía Nga để giải quyết vấn đề này, sớm đưa cá tra trở lại thị trường Nga.

Xét về tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga, ông Phạm Quang Niệm cho hay, nhu cầu thủy hải sản của Liên bang Nga khá lớn, trong khoảng 3,1-3,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Vasep cho biết, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga mới đạt hơn 100 triệu USD, chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Do đó, Nga là một thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt Nam, bởi mối quan hệ lâu đời, người Nga có nhiều thiện cảm với hàng Việt so với hàng hóa các nước khác. Liên bang Nga cũng là một thị trường lớn với dân số rất đông.

Tuy nhiên, để tận dụng và chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này, các DN Việt Nam cần chú ý chấn chỉnh, duy trì, bảo đảm chất lượng hàng thủy sản phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga và Liên minh hải quan từ khâu nuôi, chế biến, bảo quản, vận chuyển… vì thị trường Nga đòi hỏi rất cao về chất lượng. Thực tế, đã có những DN có thời điểm đã bị cấm xuất khẩu thủy sản vào Nga, nhưng sau đó, nhờ những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm nên vẫn quay lại được thị trường này.

Bên cạnh đó, DN nên tham gia nhiều hội chợ - triển lãm hàng thực phẩm tại các thành phố lớn của Nga, một đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. “Đối tác Nga có thói quen trực tiếp xem hàng để thiết lập quan hệ, chứ ít khi qua các trang website để tìm đối tác” – ông Niệm khẳng định.

Nếu xét về con số kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản, Nga chưa phải là thị trường lớn của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, thì Nga vẫn có thể là một thị trường tốt, nếu ta biết tận dụng.


Có thể bạn quan tâm

Huyện Đầu Nguồn An Phú Với Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Heo Nước Ngọt Huyện Đầu Nguồn An Phú Với Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Heo Nước Ngọt

Hiện nay ở An Giang, phong trào nuôi cá heo nước ngọt trong bè, nhiều nhất là ở đầu nguồn huyện An Phú nơi tiếp giáp với biên giới Campuchia. Năm 2010 tại đây chỉ có khoảng 10 hộ nuôi cá heo trong bè, nay đã có hơn 50 hộ và nhiều hộ nơi đây đã trở nên khá, giàu với việc nuôi loại cá này.

07/07/2014
Tổ Nuôi Tôm An Toàn Bền Vững Hoạt Động Hiệu Quả Tổ Nuôi Tôm An Toàn Bền Vững Hoạt Động Hiệu Quả

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.

13/06/2014
Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Từ Góc Nhìn Khoa Học Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Từ Góc Nhìn Khoa Học

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.

07/07/2014
Xuất Khẩu Thủy Sản Tăng Trưởng Trong Khó Khăn Xuất Khẩu Thủy Sản Tăng Trưởng Trong Khó Khăn

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.

13/06/2014
Cam Ranh (Khánh Hòa) Cá Mú, Cá Chẻm Được Mùa, Được Giá Cam Ranh (Khánh Hòa) Cá Mú, Cá Chẻm Được Mùa, Được Giá

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.

07/07/2014