Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Việt Nam Đáp Ứng Yêu Cầu Chất Lượng Khắt Khe

Cá Tra Việt Nam Đáp Ứng Yêu Cầu Chất Lượng Khắt Khe
Ngày đăng: 14/03/2014

Những rào cản mà các nước nhập khẩu thủy sản đưa ra trong thời gian gần đây, nhất là Luật Trang trại mà Mỹ chuẩn bị áp dụng, buộc các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, sản xuất cá tra trong nước có những thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với những tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó của thị trường nhập khẩu.

Rào cản chất lượng

Ngay đầu năm 2014, với lý do không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Nga đã có lệnh tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản đối với 5 doanh nghiệp Việt Nam (4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và 1 doanh nghiệp xuất khẩu tôm) vì "không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn" và "sử dụng chế phẩm kích thích tố". Trong khi trước đó, vào cuối năm 2013, Mỹ cũng đã áp dụng biện pháp đánh thuế chống phá giá cho các sản phẩm cá tra đến từ Việt Nam.

Tiếp đến, tháng 2 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trang trại Mỹ (Farm Bill 2014), có điều khoản chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra của Việt Nam, từ Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Với điều khoản này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngang đồng với mặt hàng này sản xuất tại Mỹ, từ quy trình sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Đồng Tháp, cho biết: “Điều kiện sản xuất một loại nông sản nào cũng tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, lợi thế từng vùng, từng nước khác nhau chứ không thể giống nhau được.

Ví dụ ở bên Mỹ nuôi cá tra ao nông, sử dụng nước giếng khoan để nuôi, nhưng nếu đạo luật trang trại Mỹ đưa ra tiêu chuẩn nuôi cá tra bằng nước giếng khoan áp dụng cho Việt Nam là không hợp lý”. Trong khi đó, ông Lê Chí Bình, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang, cho rằng dự luật này được đưa ra nhằm khống chế sản lượng và tăng chi phí giá thành con cá tra xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, phần nào đó giảm sức cạnh tranh đối với con cá nheo của Mỹ.

Theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam (Vasep), nếu dự luật trang trại Mỹ được thực thi thì đó là một đòi hỏi chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, vì việc áp đặt nền thủy sản của nước này lên nước kia là không thể. Đặc biệt với Việt Nam - nước đang đáp ứng rất tốt các yêu cầu chứng chỉ quốc tế của thị trường Mỹ.

Hiện bên cạnh các chứng chỉ Global Gap và ASC, doanh nghiệp cá tra Việt Nam còn phải có thêm ít nhất hai chứng chỉ BAP - thực hành sản xuất tốt nhất của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu, và chương trình thanh tra hải sản của Bộ Thương mại Mỹ. Đây chính là bằng chứng cho việc cá tra Việt Nam được nuôi và chế biến trong điều kiện đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Theo các chuyên gia trong ngành, những đòi hỏi khắt khe từ các thị trường nhập khẩu chính là dịp để các DN nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu trong nước nâng cao chuẩn mực sản xuất, nâng cao giá trị cho con cá tra, không chỉ ở riêng cho thị trường Mỹ mà còn là cơ hội xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Việt Nam có 25 DN cá tra đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) cho trại nuôi, trong đó một số DN có 2 trại nuôi được chứng nhận như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần XNK thủy sản An Giang, Công ty cổ phần Gò Đàng. Số trại nuôi cá tra đạt chứng nhận hiện lên đến hơn 30 trại, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ...

“Chưa thể nói là quy định đó cao hay thấp, mà chỉ có thể thấy rằng hiện nay ngành công nghiệp cá tra đang tiến tới bền vững thông qua áp dụng tiêu chuẩn cao cho nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu cá tra. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho thị trường”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Vasep, khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Dương Nghĩa Quốc, đây là cơ hội tốt cho cá tra Việt Nam thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn mà quốc tế đặt ra và sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với xã hội. “Vấn đề là cần tổ chức sắp xếp lại có lộ trình, có thời gian thì mình sẽ phát triển tốt”, ông Quốc khẳng định.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, hiện các DN sản xuất và nuôi trồng đang “bắt tay” sản xuất theo chuỗi. “Từ khâu đầu cho tới khâu cuối đều quản trị theo chuỗi và có cả hệ thống dữ liệu. Theo đó, con giống phải có mã số khu vực nuôi, trại nuôi và được ghi chép nhật kí chi tiết... để khi đến nhà máy chế biến sẽ được mã hóa trên bao bì xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, theo ông Trương Đình Hòe, để hạn chế việc các nước nhập khẩu áp đặt rào cản, nhà nước cần phải ban hành quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra, sớm có các chương trình nâng cao chất lượng và tiêm vắcxin phòng bệnh cá tra giống; chương trình quốc gia nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu... trước hết áp dụng cho các thị trường EU, Mỹ và thị trường mới nổi Trung Quốc.

Đồng thời theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đối với nghề nuôi cá tra, cần phải tăng cường áp dụng các chuẩn mực nuôi cá tra theo tiêu chuẩn quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

Giá Củ Mì Giảm Mạnh Giá Củ Mì Giảm Mạnh

Theo nhiều hộ trồng mì tại huyện Long Thành (Đồng Nai), trước tết khi mới bước vào vụ thu hoạch, giá củ mì tươi bán tại rẫy đã tăng đến 2.600 đồng/kg, nhưng hiện tai, giá mì đã giảm xuống còn 1.800 đồng/kg đối với mì 30 độ và 1.700 đồng/kg đối với mì 25 độ.

01/04/2014
Triệu Phú Mía Trên Vùng Mặn Triệu Phú Mía Trên Vùng Mặn

Không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí phân, thuốc, nông dân Nguyễn Hữu Nhi, ấp Mương Điều B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) trồng mía trên diện tích 2.000 m2, mỗi năm 1 vụ cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Mô hình này đang được chi bộ ấp phát động nhân rộng để tăng thu nhập cho nông dân.

01/04/2014
Dịch Hại Gia Tăng Trên Cây Lúa Dịch Hại Gia Tăng Trên Cây Lúa

Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết, trong những ngày gần đây, tình hình dịch hại trên cây lúa của tỉnh Lâm Đồng đang có chiều hướng gia tăng.

01/04/2014
Xuất Khẩu Khoai Mì Nghịch Lý Tỷ USD Xuất Khẩu Khoai Mì Nghịch Lý Tỷ USD

Cây khoai mì (sắn) hiện là cây công nghiệp chủ lực và thu cả tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tập trung vào thương lái, người nông dân trồng khoai vẫn nghèo.

01/04/2014
Xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk) Thêm Một Vụ Tiêu Được Mùa, Được Giá Xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk) Thêm Một Vụ Tiêu Được Mùa, Được Giá

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, người nông dân xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì tiêu được mùa. Với giá 124.000/kg như hiện nay, nhiều hộ trồng tiêu có nguồn thu hàng tỷ đồng.

01/04/2014