Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Tăng Giá, Doanh Nghiệp Vui, Người Nuôi Thất Vọng

Cá Tra Tăng Giá, Doanh Nghiệp Vui, Người Nuôi Thất Vọng
Ngày đăng: 07/04/2014

Giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục trong vòng một tháng nay liệu có đủ sức hấp dẫn để người nuôi cá quay lại với nghề?

Người nuôi lạnh lẽo

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.

Cùng lúc này, theo UBND tỉnh Đồng Tháp mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản chế biến trong quí 1 năm 2014 ước chỉ đạt 43.859 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước.

Ở tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra liên tục giảm nhiều năm gần đây. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Châu Phú (huyện Châu Phú, An Giang) là người từng nuôi hơn chục ao cá mỗi năm, nhưng thời điểm, này chỉ “cố gắng duy trì 2 ao cho đỡ nhớ nghề”, ông Nguyên nói.

Tại tỉnh Trà Vinh, nơi có phong trào nuôi thủy sản phát triển khá mạnh vài năm gần đây, suốt 3 tháng qua diện tích nuôi cá tra chỉ khiêm tốn ở mức dưới 4 héc ta, chỉ bằng ¼ cùng kỳ năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này, nguyên nhân chính khiến nghề nuôi cá tra tàn lụi dần do giá cá quá rẻ, tình trạng lỗ lã kéo dài.

Đánh giá của Bộ NN&PTNT diện tích thả giống duy trì nghề nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 3 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5.400 ha, sản lượng tương ứng khoảng 382.000 tấn. Theo Bộ NN&PTNT hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm diện tích nuôi cá tra tính tới thời điểm này, trong đó tỉnh Đồng Tháp giảm khoảng 2,9%, tỉnh Vĩnh Long giảm khoảng 2,3% so cùng kỳ năm trước.

Khó làm “ấm” lại

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, giá cá hiện tại khiến nhiều người nuôi mong muốn phục hồi lại diện tích nuôi mấy năm qua trong tình trạng “treo” ao. Song, đây là điều “nói nghe dễ nhưng làm không đơn giản,” ông Nguyên nói. Theo ông, chính sách giảm lãi suất cho vay lĩnh vực thủy sản mới đây của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể giúp nông dân với tới nguồn vốn này, bởi cho vay nuôi cá, theo các ngân hàng, vẫn là gói tín dụng kém an toàn.

Theo giới phân tích về thị trường cá tra ĐBSCL, hiện tại hầu như lượng cá của người nuôi nhỏ lẻ không còn bao nhiêu. Đa phần cá tra nguyên liệu hiện tại là cá của vùng nuôi do các doanh nghiệp tự đầu tư, hoặc một phần nhỏ là vùng nuôi của các doanh nghiệp tổ chức theo phương thức chủ ao nuôi cá gia công. Động thái cá tra nguyên liệu tăng giá trong đợt này, lợi nhuận phần lớn sẽ về tay doanh nghiệp.

Nhưng nếu người nuôi tái đầu tư ngay lúc này, “viễn cảnh rớt giá trong đợt cá tiếp theo có thể nhìn thấy từ bây giờ,” ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) cảnh báo. Theo ông Bình, giá cá tăng trong đợt này không phụ thuộc nhiều vào sản lượng nuôi của nông dân giảm mà là cách để làm tăng giá trị sản phẩm cá tra phi lê của doanh nghiệp do họ phải "mua" cá tra nguyên liệu của chính họ với giá cao.

Doanh nghiệp cá tra kỳ vọng 2014

Ở Công ty cổ phần Hùng Vương, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 cả nước, báo cáo tài chính của công ty cho thấy, mặc dù doanh thu cả năm 2013 tăng 17% so với năm 2012, lợi nhuận gộp của năm 2013 chỉ đạt gần 311 tỉ đồng, giảm đến 44% so với cùng kỳ năm 2012.

Năm 2014, Hùng Vương đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 700 tỉ đồng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất vẫn tiếp tục “đặt cược” vào con cá tra với việc đầu tư vào các sản phẩm liên quan đến con cá này.

Cũng tiếp tục khẳng định niềm tin vào con cá tra sẽ mang lại kết quả tốt trong năm 2014 công ty TNHH Hùng Cá, một trong những công ty có vùng nuôi lớn nhất trong các doanh nghiệp hiện nay tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Ông Trần Văn Hân, Phó giám đốc công ty cho biết xuất khẩu của các công ty đi các thị trường như EU, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Á, đều đang phát triển khá tốt. Năm 2013, xuất khẩu của công ty Hùng Cá tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012.

Hùng Cá còn đang mở rộng sản xuất, đăng tuyển thêm công nhân, và có kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu đến 50% trong năm 2014.


Có thể bạn quan tâm

Cán Bộ Ơi, Chăm Kiểu Gì Mà Lợn Không Chết Thế Cán Bộ Ơi, Chăm Kiểu Gì Mà Lợn Không Chết Thế

Câu nói đùa của một bác nông dân tại hội nghị tổng kết dự án LIFSAP ở Hải Dương khiến hội trường được phen cười nghiêng ngả.

16/06/2014
Bắc Kạn Trồng Ớt Xuất Khẩu Bắc Kạn Trồng Ớt Xuất Khẩu

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các loại cây trồng truyền thống, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại cây trồng mới có tính hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

16/06/2014
Cát Hải (Bình Định) Thu Nhập Khá Từ Cây Hành Cát Hải (Bình Định) Thu Nhập Khá Từ Cây Hành

Hành là cây trồng chính ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát - Bình Định), được cơ cấu sản xuất 3 vụ/năm, gồm vụ Đông Xuân, vụ Hè và vụ Thu Đông, tổng diện tích hàng trăm hec ta. Ở vụ Hè này, toàn xã xuống giống hơn 81 ha hành, thu hoạch bán được giá cao, người trồng hành rất phấn khởi.

16/06/2014
Xuất Hiện Trên Thị Trường Đã Lâu Nhưng Gần Đây Trào Lưu Ăn Rau Rừng Bỗng Rộ Lên Tại TP HCM Xuất Hiện Trên Thị Trường Đã Lâu Nhưng Gần Đây Trào Lưu Ăn Rau Rừng Bỗng Rộ Lên Tại TP HCM

Không chỉ được bán ở những nhà hàng, quán ăn đặc sản vùng miền, rau rừng còn được bán kèm với bánh xèo, thịt bò và bắt đầu chen chân vào siêu thị.

16/06/2014
Lý Sơn (Quảng Ngãi) Nguy Cơ Hạn Nặng Lý Sơn (Quảng Ngãi) Nguy Cơ Hạn Nặng

Đến thời điểm này, hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống đến mực nước “chết”. Còn các giếng nước trên huyện đảo này hầu như bị nhiễm mặn khiến 130 ha hoa màu có khả năng bị hạn…

16/06/2014