Cá Tra Rớt Giá, Người Nuôi Lao Đao

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước hàng loạt khó khăn. Nỗi lo “treo ao” bám riết họ từng ngày bởi giá cá ở thời điểm này đang rớt xuống đáy.
Người nuôi lỗ nặng
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế bán phá giá đối với cá tra Việt Nam, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng nhẹ. Thời điểm giữa tháng 4-2013, giá cá ổn định ở mức 21.000 - 21.500 đồng/kg, tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, tín hiệu vui này lại không kéo dài bởi những ngày gần đây giá cá lại quay đầu giảm mạnh.
Hiện, cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 1 kg/con được các doanh nghiệp thu mua với giá 19.000 - 19.500 đồng/kg (mua thiếu 1, 2 tháng). Còn với trường hợp doanh nghiệp mua bằng tiền mặt, giá chỉ còn 18.000 - 18.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây và với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.500 - 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tạch, hộ nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, An Giang, chua chát: “Giá cá hiện nay xuống quá thấp, đã thế việc nhận được tiền bán cá cũng rất khó khăn, do đó nhiều hộ nuôi hiện nay đã bỏ nghề. Nếu doanh nghiệp mua cá ký nợ 45 ngày qua ngân hàng bảo lãnh thì giá cá còn ở mức 19.000 - 19.500 đồng/kg, nhưng nếu bán tại ao, giao tiền ngay thì giá chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/kg. Tôi bán 117 tấn cá tra với giá 20.700 đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay vẫn chưa nhận được đủ tiền”.
Loanh quanh chuyện xuất khẩu
Nhiều chuyên gia trong ngành lý giải, giá cá tra giảm là do doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nguồn cá của công ty, nông dân mất khả năng đàm phám trong các vụ mua bán, buộc họ phải chấp nhận bán cá với giá rẻ. Tuy nhiên, người nuôi lại cho hay, trên thực tế, dù doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu thì vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo đó, vẫn cần phải mua cá của nông dân, nhưng không hiểu vì sao cá vẫn rớt giá?
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam tăng gấp 25 - 45 lần thì chỉ còn 9 doanh nghiệp Việt Nam có thuế suất thấp xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Lo sợ nguồn cung thiếu nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng giá thu mua lên 0,5 - 0,7 đô la/kg. Thấy giá cả hấp dẫn, cộng với việc các thị trường khác đang gặp khó, nên các doanh nghiệp đã ồ ạt xuất khẩu hàng sang Mỹ, theo đó sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 và 5 tăng vọt lên từ 50 - 70% so với cùng kỳ.
“Vì doanh nghiệp ham ký nhiều hợp đồng quá nên khi thấy khối lượng bắt đầu dư thừa thì các nhà nhập khẩu Mỹ đã hạ giá xuống và giảm lượng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến giá cá nguyên liệu trong nước”, ông Hòe giải thích thêm.
Lợi ích của nông dân
Ông Tạch ngậm ngùi: “Năm nào con cá tra cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả lên xuống thất thường. Tuy nhiên, năm nay có lẽ là năm vất vả nhất đối với những người nuôi như chúng tôi khi giá cá nguyên liệu hiện nay chỉ còn khoảng 18.000 - 18.500 đồng/kg, có khi còn rớt thê thảm xuống 17.700 đồng/kg. Biện pháp thì cũng đã bàn nhiều rồi, nhưng thực hiện được hay không mới là điều quan trọng”.
“Người nuôi như chúng tôi chỉ hy vọng giá cả đầu vào lẫn đầu ra ổn định; Nhà nước làm thế nào có những chính sách hỗ trợ để vốn vay đến được tận tay người nông dân chứ như hiện nay thì rất khó để tiếp cận được nguồn vốn. Ngoài ra, hiện, doanh nghiệp khi thu mua cá của dân vẫn thực hiện ký hợp đồng, tuy nhiên lại rất ít khi thanh toán đúng thời hạn như đã cam kết. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp để tăng hiệu lực trong hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và người nuôi”, ông Tạch đề xuất.
Theo Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam, Trần Cao Mưu: “Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam, Nhà nước cần hoạch định chính sách quy hoạch phù hợp từ khâu nuôi trồng, đến thu mua, chế biến và xuất khẩu. Nghĩa là cần phải hoạch định cụ thể, sản xuất sản lượng bao nhiêu là vừa đủ, bao nhiêu nhà máy được phép chế biến, xuất khẩu và cần xác định rõ thị trường xuất khẩu. Khi nào vấn đề quy hoạch này chưa được giải quyết thì việc bấp bênh trong giá cả đầu vào lẫn đầu ra vẫn còn tiếp tục xảy ra”.
“Không nên hô hào vị trí nhất, nhì về xuất khẩu cá tra như hiện nay, mà vấn đề là phải làm thế nào để đạt được sự nhất quán, thống nhất và tạo ra lợi nhuận nhất cho người nuôi cá tra Việt Nam”, ông Mưu cho biết thêm
Số liệu từ VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam ước đạt 800 triệu đô la, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2012.
Có thể bạn quan tâm

Trung bình mỗi ngày tại các cơ sở chế biến cá cơm khô có từ 30 – 40 lao động, có hôm cá nhiều lượng lao động tăng lên hơn 50 lao động/cơ sở chế biến. Trung bình mỗi lao động một ngày có thu nhập từ 150.000 - 170.000 đồng, nhiều hôm tăng ca mỗi người có thể thu nhập hơn 200.000 đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 152 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Phong. Năm 2013, sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt 18 tỷ con; năm 2014, phấn đấu sản xuất 20 tỷ con tôm giống để cung cấp cho thị trường cả nước.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có thông báo chính thức về kết quả làm việc với Đoàn thanh tra EU sau chuyến thanh tra tại Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP đối với sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam.

Dự án Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 được khởi công xây dựng vào tháng 2-2014, trên diện tích 34,3 ha, tại xã Phú Nhuận (Như Thanh - Thanh Hóa); tổng mức đầu tư của dự án gần 230 tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng cho việc chăn nuôi 2.000 con bò vắt sữa với quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm vệ sinh, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh.

Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...