Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Đi Mỹ Chưa Bị Ảnh Hưởng Trong Năm Nay

Cá Tra Đi Mỹ Chưa Bị Ảnh Hưởng Trong Năm Nay
Ngày đăng: 13/02/2014

Ngày 7-2-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thông qua dự luật nông nghiệp năm 2014 của Mỹ, trong đó có nội dung đưa cá tra/basa Việt Nam vào chương trình thanh tra, giám sát của họ. Theo nhận định của một số nhà chuyên môn, điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ nhưng nhanh nhất cũng phải đầu năm 2015.

Xuất khẩu cá tra vào Mỹ chưa sao

Một trong những điểm mới của dự luật nông nghiệp 2014 vừa được Mỹ thông qua là chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra/basa của Việt Nam, từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Việc chuyển đổi trên sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra/basa Việt Nam bởi theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), FDA chỉ quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không quản lý về vùng nuôi. Hiện vùng nuôi do phía Việt Nam tự lo về chất lượng hoặc do một tổ chức thứ ba đứng ra chứng nhận.

Tuy nhiên, khi USDA giám sát, đơn vị này quản lý vùng nuôi, bắt buộc phải theo tiêu chuẩn, yêu cầu của USDA đưa ra mới chấp nhận cho nhập khẩu. Những tiêu chuẩn khác cho con cá tra như ASC - tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; Global GAP- thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu…dù doanh nghiệp đạt được cũng không được chấp nhận.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ chưa bị ảnh hưởng trong năm nay bởi trong vòng 60 ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ ký ban hành dự luật nông nghiệp 2014 (7-2-1024), USDA sẽ phải công bố các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.

“Đối với con cá tra/basa Việt Nam, luật mới của Mỹ đưa loại thủy sản này vào chương trình giám sát, thanh tra của họ, tức họ phải công bố một chương trình cụ thể về vấn đề họ sẽ giám sát theo kiểu nào, như thế nào? Chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan trong quá trình giám sát, thanh tra như thế nào?”, ông Hòe cho biết.

Theo ông Hòe, từ khi dự luật được ký thông qua, ra các văn bản hướng dẫn thực hiện cho đến khi áp dụng giám sát phải mất một thời gian, nhanh nhất cũng phải đầu năm 2015 mới có thể thực hiện được. “Tức là trong năm 2014 mọi chuyện hiện nay Việt Nam đang làm (sản xuất và xuất khẩu-PV) chưa bị tác động trực tiếp, ngoài việc bị tác động về mặt tâm lý”, ông Hòe cho biết.

Mỹ áp đặt phi lý để bảo hộ?

Theo đánh giá của những người trong ngành, việc phía Mỹ muốn giám sát vùng nuôi và bắt buộc phải theo tiêu chuẩn của họ đề ra mới chấp nhận cho nhập khẩu là một sự áp đặt phi lý bởi nếu một sản phẩm đảm bảo được về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chứng nhận toàn cầu, được cả thế giới chấp nhận thì không lý gì Mỹ không chấp nhận.

“Ví dụ, Việt Nam nuôi theo quy trình, tiêu chuẩn của ASC nghĩa là phải có truy xuất nguồn gốc về con giống, thức ăn, thuốc, và phải đáp ứng được an toàn vệ sinh thực phẩm; phải tuân thủ đúng vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có dịch bệnh, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái…đồng thời người nuôi phải đảm bảo an toàn cho người lao động, vệ sinh lao động…. Nhưng giờ đây cũng những công việc như trên nhưng phía Mỹ quản lý theo quy trình của họ, nuôi theo kiểu của họ, làm ngược lại họ sẽ không mua, đó là cái khó cho mình”, ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, xét về mặt chất lượng, hiện sản phẩm cá tra Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các nước, kể cả Mỹ, bởi khi xuất khẩu, sản phẩm cá tra Việt Nam đã đạt được rất nhiều chứng nhận như: HACCP - phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn, được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc trong quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm; ASC, GlobalGAP…

“Thật ra, rào cản kỹ thuật lần này của Mỹ là để họ làm khó mình (Việt Nam), để không cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, nữa nhằm bảo hộ ngành cá da trơn của họ thôi”, ông Bình cho biết.

Có cùng quan điểm, ông Hòe của VASEP cũng nói: “Việc Mỹ bảo hộ ngành cá da trơn trong nước của họ đã quá rõ ràng”.

Theo ông Hòe, vấn đề hiện nay là yêu cầu phía Mỹ xem xét lại chương trình giám sát cá da trơn sao cho hợp lý và công bằng. "Bây giờ họ (Mỹ) đã ký ban hành rồi thì yêu cầu họ không thực hiện là không thể, vấn đề là cần phải xem xét hết sức chi tiết về chương trình giám sát, thanh tra cá da trơn ở hai khía cạnh: thứ nhất, vấn đề có yếu tố bảo hộ hay không?

Nếu có, Việt Nam có thể khởi kiện Mỹ ra WTO - Tổ chức Thương mại thế giới - nhờ can thiệp bảo vệ ngành cá tra Việt Nam; thứ hai, là nội dung trong chương trình thanh tra, giám sát cá da trơn phải tuân thủ các chuẩn mực hoặc là các vấn đề phổ biến nằm trong hoạt động sản xuất, chứ không phải mang tính áp đặt hoặc không tương thích, không phù hợp với những điều kiện trong vấn đề chung hiện nay”, ông Hòe cho biết.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất vào thị trường Mỹ khoảng 100.000 tấn, trị giá khoảng 300 triệu đô la Mỹ.


Có thể bạn quan tâm

Về Vàm Nao xem bắt cá bông lau Về Vàm Nao xem bắt cá bông lau

Nói đến cá bông lau, người ta nghĩ ngay đến sông Vàm Nao. Đây là đoạn sông lớn nhất nối sông Tiền với sông Hậu, gắn với nhiều câu chuyện huyền bí của dân “bà cậu”. Xem săn cá bông lau, rồi chế biến ngay trên dòng sông Hậu, kết hợp với tự tay hái bắp, bẻ cà, thu hoạch ấu… đang trở thành tour du lịch thú vị với những người yêu sông nước.

14/04/2015
Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học Nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học

Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Giang đang phát triển mạnh. Sản lượng năm 2014 đạt hơn 29,5 nghìn tấn, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh đã hình thành nhiều khu nuôi thâm canh và bán thâm canh, khu sản xuất hàng hóa tập trung.

14/04/2015
“Sốc” vì giá cá ngừ lao dốc “Sốc” vì giá cá ngừ lao dốc

Tàu câu cá ngừ đạt sản lượng quá ít, lỗ vốn. Đành chịu! Nhưng một số tàu câu được nhiều cá lại bán không trôi, cũng lỗ vốn. Ngư dân Phú Yên “sốc”! Điều gì đang xảy ra ở nơi “thủ phủ” nghề câu cá ngừ đại dương? Sự thể là do chất lượng cá kém, do giá cá ngừ đã và đang trên đà lao dốc, xuất khẩu giảm sâu.

14/04/2015
Quy hoạch vùng nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp Quy hoạch vùng nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Chiều 7/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì cuộc họp bàn về quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đên năm 2025.

14/04/2015
Mô hình hợp tác xã cho ngư dân Mô hình hợp tác xã cho ngư dân

Mặc dù ngư dân Đà Nẵng được hoạt động theo tổ, đội và nghiệp đoàn, song tính liên kết vẫn chưa được phát huy. Vì vậy, cần một mô hình cao hơn để tập hợp họ. Việc thành lập một hợp tác xã (HTX) về thủy sản trong tương lai, có thể sẽ là điều cần thiết.

14/04/2015