Cá Rô Phi Cát Phú Ở Xã Sông Khoai

Mới đây, về xã Sông Khoai (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) công tác, chúng tôi được đồng chí Dương Cao Thuỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian gần đây, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức, vận động nhân dân xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao. Trong đó, mô hình nuôi cá rô phi Cát Phú của HTX Đồng Tâm là điển hình.
Sau khi được Chủ tịch UBND xã giới thiệu, ông Vũ Văn Nhung, Chủ nhiệm HTX Đồng Tâm đã dẫn chúng tôi xuống thôn 7, nơi có các ao nuôi cá của HTX. Trên đường đi, ông Nhung dẫn chúng tôi ghé qua một căn hộ đang xây dở và giới thiệu đây là nhà của xã viên Nguyễn Canh Năm.
Nhờ nuôi trồng thuỷ sản thành công, đặc biệt là mô hình nuôi cá rô phi Cát Phú mà gia đình anh Năm đã có tiền xây căn nhà bạc tỷ này. Nghe ông Nhung nói vậy, chúng tôi càng háo hức tìm hiểu về mô hình nuôi cá rô phi Cát Phú.
Chỉ tay về những ao thả cá của các xã viên ven bờ sông, ông Vũ Văn Nhung khái quát về miền quê của mình: Nơi này vốn là vùng “chiêm khê, hè lụt”, đất nông nghiệp nhiều nhưng lại bị nhiễm mặn nên việc trồng cấy khó khăn, hiệu quả thấp.
Bà con trong thôn quanh năm vật lộn với cây lúa, cây màu, vậy mà đời sống chẳng khá lên được. Hơn chục năm về trước, thực hiện chủ trương của xã, nhiều hộ gia đình đã chủ động dồn điền, đổi thửa để chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản. Do biết cách làm ăn nên đời sống người dân ngày càng ổn định hơn. Cách đây 2 năm, nghe thông tin ở bên Hải Phòng có giống cá mới là rô phi Cát Phú được nhập từ Trung Quốc về, khi nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Ban quản trị HTX Đồng Tâm liền cử đoàn công tác sang nghiên cứu.
Thấy đồng đất và các điều kiện nuôi thả bên đó tương đồng với đất quê mình và giống rô phi Cát Phú này trưởng thành rất tốt, thế là HTX mạnh dạn mua 8.000 con trị giá 9,6 triệu đồng về giao cho các hộ xã viên Nguyễn Văn Khơi và Nguyễn Văn Thơi nuôi thí điểm. Chỉ sau 5 đến 6 tháng nuôi, cá sinh trưởng tốt, đạt từ 0,4 đến 0,6 kg/con. Với giá bán 27.000 đến 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mô hình của mỗi hộ xã viên này cho thu nhập rất khá.
Ngày thu hoạch cá, cả HTX Đồng Tâm hân hoan tập trung về nhà ông Khơi và ông Thơi để chứng kiến. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm, HTX thấy rằng, đây là mô hình mới cần được nhân rộng.
Vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu làm sao để nhân được giống để vừa chủ động được nguồn cung cấp cho bà con, vừa hạ được giá thành sản phẩm. Ông Vũ Văn Nhung đã bàn với các thành viên trong Ban quản trị mạnh dạn phối hợp với Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đưa vào ương nuôi giống mới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hai bên đã phối hợp ươm được 16 vạn con giống và triển khai nuôi thử nghiệm trên diện tích mặt nước 700m2. Sau 15 ngày ươm nuôi thử nghiệm trong điều kiện tiết trời nắng gắt nhưng tỉ lệ cá bột sống vẫn đạt gần 90%.
Đặc biệt, kích cỡ cá giống to ngang với cá 21 ngày tuổi ở các nơi khác và giá bán con giống đã hạ được 30% so với nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi giống mới đã được ươm thành công, thấy cho giá trị kinh tế cao, một số hộ nuôi trồng thuỷ sản trong xã đã đưa giống cá Cát Phú về nuôi với hình thức nuôi xen kẽ với những loại cá truyền thống như chép, mè, rô phi… Kết quả đều cho hiệu quả khá cao so với các đối tượng nuôi khác.
Ông Vũ Văn Nhung cho biết thêm: Giống cá rô phi Cát Phú là giống mới, nhiều ưu điểm như: Có tốc độ phát triển nhanh, vượt trội so với giống cá rô phi thường, có thể rút ngắn thời gian nuôi từ 6 tháng xuống 4 tháng, trọng lượng trung bình đạt 0,5 đến 0,6kg/con.
Cá có đầu nhỏ, mình dày, tỷ lệ thịt lớn, có khả năng chịu lạnh tốt và có thể nuôi qua mùa đông. Đây là đối tượng thích hợp để phát triển sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, ngoài việc cung cấp con giống cho bà con trên địa bàn, cá rô phi Cát Phú đã được xuất sang tỉnh Hải Dương, Bắc Giang gần 14 vạn con. Qua nắm bắt thông tin, thì giống cá này cũng đang sinh trưởng tốt, được người nuôi ở 2 tỉnh này tin tưởng.
TX Quảng Yên nói chung, xã Sông Khoai nói riêng có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian gần đây, do có chính sách đầu tư đúng hướng, nên nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh và đã giúp cho nhiều hộ nông dân mở rộng vùng canh tác, phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Việc ươm nuôi thành công cá rô phi Cát Phú trên địa bàn xã Sông Khoai sẽ làm đa dạng hoá các đối tượng nuôi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng làm ăn mới cho người nông dân. Mô hình này đáng được biểu dương và nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

“Nga là thị trường đầy tiềm năng trong việc xuất khẩu nông, thủy sản, Cần Thơ lại mạnh về lĩnh vực này. Chính vì thế, tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga, nhằm mở rộng đầu ra cho hàng nông, thủy sản, cũng là giải pháp nâng cao đời sống cho bà con nông dân” - ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố với các sở ngành Cần Thơ ngày 18/9.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) cá tra sang Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt giá trị 27,98 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nước nhập khẩu nhiều nhất cá tra trong khối ASEAN.

Huyện Điện Biên có khoảng 1.000ha cây ăn quả, chủ yếu là chuối, vải, hồng đỏ, táo, đào Pháp, thanh long, xoài, cam, quýt. Nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây ăn quả trồng tập trung ở khu vực lòng chảo trên diện tích đất vườn lớn hoặc trồng xen kẽ tại khu vực bãi màu.

Trong những chuyến công tác tại các xã vùng cao, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thực sự phấn khởi khi chứng kiến nhiều công trình hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Diện mạo ấy có sự “trợ sức” không nhỏ từ chương trình mang tên 135 giai đoạn III…

Những nơi đã trồng cây vụ thu, vụ thu đông cần tập trung ưu tiên nạo vét kênh tưới tiêu, đầu khâu, đầu luống, chuẩn bị các phương tiện tiêu úng nhanh, kịp thời khi xảy ra tình huống ngập lụt. Các địa phương chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên cung ứng, chuẩn bị giống ngô, khoai tây, rau màu để cung ứng nhanh cho sản xuất; triển khai rút nước, gieo trồng cây ưa ấm ngay sau bão tan.