Cà Phê Việt Nam Cơ Hội Và Thách Thức

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ông Lương Văn Tự, cho biết diễn biến thị trường thế giới đang có lợi cho cà phê Việt Nam do những nước có sản lượng cà phê lớn bị khô hạn kéo dài.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex tại TPHCM nhắc lại, ngay đầu vụ cà phê 2013-2014, nhiều nhà nhập khẩu cà phê và chuyên gia thế giới đều đánh giá cà phê Robusta Việt Nam được mùa, sản lượng có thể tăng 30% so với vụ trước, nên lượng xuất khẩu cũng sẽ tăng ở mức tương đương.
Vì vậy, giá cà phê sẽ giảm là điều đương nhiên. Dự báo này từng gây tác động tiêu cực lúc đầu, nhưng diễn biến thị trường hiện nay cho thấy không như vậy, khi năm thứ 4 liên tiếp giá cà phê Robusta xuất khẩu luôn ở mức 2.000 USD/tấn hạt.
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, lần đầu tiên trong 30 năm qua chưa từng có tình trạng giá giữ vững ở mức khá cao lại kéo dài như vậy thay vì theo “quy luật” giá sẽ giảm sau khi đạt đỉnh với sơ đồ dạng hình sin, trong khi giá cà phê trong nước có xu hướng đi ngang.
Trong nông sản, “được mùa mất giá” là điệp khúc gây đau đầu cho mọi người, nhưng với hạt cà phê hiện nay cũng như hồ tiêu mấy năm qua đều được mùa, được giá. Người trồng cà phê trước đây thường chốt bán có lời ở mức giá 30.000 đồng/kg, nhưng giờ đây 40.000 đồng/kg mới là ngưỡng xem xét.
Bài học “tạm trữ” hồ tiêu tại nông hộ và chỉ bán khi giá tăng ở mức giá nhất định nào đó đã bỏ được tâm lý bán ra ồ ạt khi giá thấp và giữ lại khi giá tăng nên giá hồ tiêu Việt Nam nhiều năm qua luôn giữ ở mức cao và khá ổn định, dù sản lượng hồ tiêu thế giới tăng do nhiều nước được mùa.
Như vậy, cùng với việc chi phối sản lượng hồ tiêu toàn cầu, ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước chi phối phần nào thị trường thế giới nhờ điều tiết lượng bán ra. Bài học này đã được người trồng cà phê tìm hiểu và áp dụng với những hiệu quả tích cực ban đầu. Nhờ sự điều tiết này, ông Đỗ Hà Nam nhận định, từ đây đến cuối năm, giá cà phê Robusta xuất khẩu khó giảm sâu so với cột mốc 2.000 USD/tấn.
Ông Nam lý giải, với những nhà đầu tư giao dịch trên thị trường cà phê London, thường là giao dịch kỳ hạn, giao sau, chờ giá xuống để mua. Nhưng với lượng cà phê Robusta chiếm đến 61% thế giới của Việt Nam được người dân điều tiết bán ra đã vô hiệu hóa sự kỳ vọng của nhà đầu cơ. Khi đến kỳ giao hàng buộc phải mua vào dù giá tăng. Với tình hình này, dự kiến năm nay Việt Nam xuất không dưới 1,5 triệu tấn cà phê và kim ngạch có thể đạt 3 tỷ USD.
Nhưng không ít thách thức
Đánh giá thị trường cà phê VN giai đoạn tới, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho rằng cà phê Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là mức độ mở cửa của Việt Nam với thế giới. Tháng 12-2015, Cộng đồng kinh tế AESAN có hiệu lực với mức thuế chỉ còn 0% - 5%. Nếu kết thúc đàm phám Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP, ngành nhiều lợi thế là may mặc, giày dép...
Riêng mặt hàng cà phê gặp thách thức cao hơn. Ngoài ra còn có hiệp định thương mại Việt Nam với các nước EU, khu vực thuế quan của Liên bang Nga... Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là thách thức của ngành cà phê, đòi hỏi tập trung xử lý những doanh nghiệp có nợ xấu. Ngay cả vấn đề thuế VAT cũng phải tiếp tục tháo gỡ. Ngoài ra còn 3 nhược điểm của ngành cà phê là mô hình sản xuất với quá nhiều hộ nhỏ, kinh doanh với quá nhiều doanh nghiệp và xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân.
Đó còn là vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là cà phê rang xay trong nước. Nếu không chấn chỉnh việc này sẽ khó tăng kích cầu trong nước lên 15% sản lượng như kỳ vọng. Bên cạnh đó cần sớm đề ra quy chuẩn cho tất cả nhà máy rang xay và hệ thống phân phối.
Thách thức khác là vấn đề biến đổi khí hậu, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, thực hiện sản xuất VietGAP, theo chứng chỉ 4C, UTZ, R.A thân thiện môi trường, ban hành tiêu chuẩn cà phê Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý không chỉ với cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mà còn là cà phê Cầu Đất (Lâm Đồng)...
Có thể bạn quan tâm

Lâu nay, việc buôn bán của nông dân và tiểu thương phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, tiểu thương không thể chủ động được nguồn hàng, nông dân bị ép giá. Để khắc phục tình trạng đó, tiểu thương tại nhiều chợ đầu mối đã thực hiện mô hình đầu tư khép kín với nông dân, mang lại hiệu quả kép cho cả hai bên.

Những ngày gần đây, cam sành đang vào thời điểm thu hoạch cuối vụ nên sản lượng cam sành giảm mạnh, trong khi đó thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu giải khát tăng cao đã khiến cho giá cam sành trong những ngày qua tăng mạnh.

Do dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số bang của Mỹ nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn tạm ngưng nhập khẩu thịt gà đông lạnh từ Mỹ. Các siêu thị thừa nhận lâu nay vẫn bán thịt gà của Mỹ và sẽ tìm nguồn thay thế từ trong nước.

Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2015 (Vietnam Foodexpo 2015) diễn ra từ ngày 13 - 16/5 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh, là triển lãm có quy mô lớn nhất về ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam.

Tại hội nghị thường niên ngành hồ tiêu Việt Nam diễn ra ngày 8/5, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, năm 2015 được dự báo là tình hình dịch bệnh trên cây tiêu sẽ có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt là ở những vùng trồng tiêu mới chưa nắm vững kỹ thuật hoặc chuyên canh.