Cà Phê Dự Kiến Năng Suất Tăng, Sản Lượng Giảm

Vụ cà phê 2014-2015 đã bắt đầu thu hoạch. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và của người nông dân trồng cà phê, năng suất cà phê năm nay bằng hoặc cao hơn vụ trước nhưng sản lượng có thể giảm từ 15% đến 20%.
Phấn khởi trước thông tin giá cà phê liên tục tăng trong khoảng 10 ngày trở lại đây, ông Rơ Chăm Ki (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết, không chỉ được giá mà năng suất năm nay nhiều khả năng cao hơn năm trước. Theo ước tính với 2 ha cà phê, gia đình ông thu trên 22 tấn cà phê tươi, cao hơn năm trước khoảng 4 tấn.
Hiện gia đình chỉ mới thu bói một ít và đã bán với giá 7.500 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn thời điểm này năm trước 2.000 đồng/kg. Ông Ki chia sẻ thêm, cũng như mọi năm vì quỹ đất của gia đình đã hết, không có đất làm sân phơi nên thường thu hoạch đến đâu thì sẽ bán ngay cho đại lý và cũng không ký gửi tại đại lý.
Theo ông Ki, hầu như bà con trồng cà phê trong làng thường bán ngay sau khi thu hoạch chứ không để lại phơi, một phần vì thiếu tiền chi tiêu, phần thì không có sân phơi. Chung niềm vui cà phê được giá, ông Rơ Chăm Kuch (người cùng làng Blang 1) cho biết 5 ha cà phê của ông dự kiến thu hoạch rộ vào trung tuần tháng 11 tới, năng suất ước đạt khoảng 15 tấn cà phê tươi/ha, cao hơn năm trước khoảng 2 đến 3 tấn/ha.
Ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Tổng diện tích cà phê toàn huyện Ia Grai là 16.720 ha, trong đó hơn 12.837 ha cà phê của nhân dân, diện tích còn lại của doanh nghiệp. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện mới thu bói, vào khoảng tháng 11-2014 bắt đầu thu rộ.
Do vụ thu hái cà phê mới bắt đầu nên chưa xảy ra tình trạng thiếu nhân công như những năm trước. Qua khảo sát thực tế các vườn cà phê, dự báo năng suất cà phê năm nay có thể ngang hoặc nhích hơn niên vụ cà phê trước nhưng năng suất tăng thêm không đáng kể. Năng suất bình quân cà phê vụ 2013-2014 của huyện đạt 29 tạ/ha.
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp, năng suất cà phê niên vụ này bằng hoặc cao hơn năm ngoái nhưng tổng sản lượng niên vụ cà phê 2014-2015 của Gia Lai nói riêng và Tây nguyên nói chung sẽ giảm 15-20% so với niên vụ trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp sản lượng cà phê của vùng Tây Nguyên liên tiếp giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích cà phê ở Tây Nguyên đều có tuổi đời từ 20 đến 30 năm khai thác, vườn cây già cỗi nên sản lượng và năng suất đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ.
Không chỉ huyện Ia Grai, mà nông dân trồng cà phê tại các địa phương của tỉnh đã bắt đầu thu hái cà phê bói trong niềm vui khi giá thu mua cà phê thời điểm đầu vụ tăng hơn niên vụ trước. Người trồng cà phê kỳ vọng giá sẽ còn tiếp tục biến động theo hướng có lợi cho người trồng, chí ít là giữ ở mức giá hiện tại để kết thúc niên vụ cà phê thắng lợi.
Dù vụ thu hái cà phê mới bắt đầu, song việc giao thương mua-bán cà phê diễn ra khá sôi động. Bà Kiều-chủ điểm thu mua Thuyết Kiều đứng chân trên địa bàn xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) cho biết: Thời điểm này, người dân chỉ mới thu rải rác nên hái xong thường bán luôn chứ không ký gửi. Giá mua cà phê hiện dao động từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg cà phê tươi. Tùy theo chất lượng cà phê chín hay xanh mà giá mua chênh nhau khoảng 1 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Không nhộn nhịp người mua kẻ bán như ở Ia Dêr, các điểm thu mua cà phê tươi tại huyện Đak Đoa vẫn chưa bắt đầu vì hiện cà phê trên địa bàn chưa vào vụ thu hoạch, người dân mới hái bói một số ít. Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 2, xã Tân Bình) cho biết, hiện cà phê chưa chín nhiều nên tôi không hái vì thu hoạch như vậy rất tốn công, khoảng nửa tháng nữa thì mới bắt đầu vào thu hoạch rộ.
Gia đình ông Sơn cũng như các hộ trồng cà phê khác trên địa bàn hầu như đều chủ động sân phơi (sân xi măng) để phơi chứ không bán tươi hay ký gửi cho các doanh nghiệp, điểm thu mua.
Có thể bạn quan tâm

Ông Claudio Karjalaimen- Giám đốc Công ty Tư vấn Finnsea tại Phần Lan cho biết, Phần Lan không chỉ là một thị trường đầy tiềm năng với mức thu nhập bình quân đầu người 46.178 USD/năm; nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với các mặt hàng nông - thủy sản chiếm tới 18 - 20% thu nhập; mà còn là cửa ngõ quan trọng và thuận lợi để hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường Bắc Âu.

Với chủ đề “Nông nghiệp Việt Nam hướng tới giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững”, hơn 400 gian hàng trong đó có nhiều gian hàng đến từ các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng bao gồm các sản phẩm nông lâm thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị cơ khí công nghệ phục vụ cho sản xuất, chế biến cho bảo quản nông sản….

Thực hiện chương trình đào tạo huấn luyện khuyến nông giữa Trung tâm khuyến nông (TTKN) Quốc Gia và TTKN tỉnh năm 2014; Từ ngày 4 -11/11, TTKN tỉnh tổ chức đoàn khảo sát, học tập các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại 3 tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai.

Để người dân trồng cao su tăng thu nhập, nhất là khi vườn cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa khai thác mủ, 2 năm (2013 - 2014), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông - lâm nghiệp Tây Bắc (Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc) thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng xen một số giống cây ngắn ngày trên nương cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên”.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh giảm 3,7% hộ nghèo so với năm 2013. Mục tiêu giảm nghèo bền vững được thực hiện tích cực, đồng bộ, trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai tại địa phương, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, dự án Giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB)...