Cá nuôi chết nổi trắng ao, nông dân mất tiền tỷ

Mặt ao trắng xác cá
Về xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ vào những ngày này đi đến đâu chúng tôi cũng thấy nồng nặc mùi cá chết, những mặt ao trắng xóa bởi xác cá chết.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Khắc Lâm – Chủ tịch UBND xã Quang Phục nói:
“Cá chết nhiều chưa từng có, đến hôm nay mưa lũ về nước tràn các ao, hồ mà cá vẫn chết, chúng tôi chẳng có cách gì cứu vãn”.
Ông Lâm cho biết, toàn xã Quang Phục có 60ha nuôi thủy sản với khoảng 300 hộ nuôi đều bị ảnh hưởng trong đợt cá chết hàng loạt vừa qua, trong đó có trên dưới 40ha của 100 hộ nuôi bị ảnh hưởng nặng nhất với trên 50% số cá trong ao nuôi bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng/hộ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương đang vớt cá chết trong ao của gia đình ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).
Từ ngày ao nhà xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, bà Nguyễn Thị Thu Hương (49 tuổi) cứ như người mất hồn. Vừa vớt cá chết trong ao, bà Hương vừa nói:
“Đau xót quá, từ đầu năm thả nuôi đến tháng 5 cá gần được thu hoạch, không hiểu vì sao thấy cá chết chìm đáy, rồi nổi trắng hàng loạt. Gia đình đã mua đủ các loại thuốc chữa cũng không cứu được con nào”.
Bà Hương cho biết thêm, nhà thả nuôi 6 mẫu ao đủ các loại cá trắm, chép, rô phi…, đến giờ số lượng cá chết đã lên tới hơn 4 tấn, tính cả chi phí đầu tư thức ăn, cơ sở hạ tầng khoảng gần 1 tỷ đồng. “Bao nhiêu tiền vay ngoài, đến giờ trắng tay, gia đình tôi không biết lấy đâu ra để trả nợ nữa…” – bà Hương ngậm ngùi.
Tình trạng cá chết hàng loạt cũng xảy ra tại xã Đại Hợp. Hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá rô phi, nhưng ông Nguyễn Đình Toản ở thôn Đô Trung, xã Đại Hợp cũng không có cách nào cứu được cho 30 mẫu ao cá của mình.
“Đầu tháng 5, thấy các ao cá bắt đầu xuất hiện tình trạng chết, tôi đã mua máy về tạo ôxy, rồi mua thuốc về đổ, nhưng cá chết vẫn không hề giảm mà còn nặng hơn, đành huy động người vớt bỏ vào bao tải mang đi chôn thôi” – ông Toản nói.
Để đầu tư xây dựng hạ tầng và cá giống và thức ăn, ông Toản đã đi thế chấp vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng, cá thả nuôi đến gần ngày thu hoạch lại bị chết nhiều, khiến gia đình ông điêu đứng.
“Mong các cơ quan nhà nước sớm vào cuộc để hỗ trợ nông dân chúng tôi chứ để bà con “tự bơi” thế này, không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn mà trả nợ ngân hàng” – ông Toản chia sẻ.
Do nắng nóng hay do chất thải?
Theo các hộ nuôi cá ở Tứ Kỳ, do vừa qua nắng nóng kéo dài, đã dẫn đến tình trạng nguồn nước trong các ao bị cạn kiệt, mật độ nuôi lại nhiều nên dẫn đến tình trạng cá chết.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Lâm- Chủ tịch UBND xã Quang Phục, nguyên nhân chính vẫn là do bà con đổ cám công nghiệp nhiều xuống ao, cá không ăn hết đã dẫn đến việc tồn một lượng lớn thức ăn trong ao, gây ra hiện tượng ô nhiễm nặng nguồn nước trong ao.
Cũng theo ông Lâm, ngay khi nắm được thông tin cá chết, xã đã cử cán bộ xuống các thôn để khảo sát và tuyên truyền cho người dân cách xử lý đào hố chôn lấp cá, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hướng dẫn bà con vớt và xử lý nước trong ao kịp thời để tránh lây lan dịch bệnh.
“Do lượng cá chết quá nhiều, không có chỗ chôn, nhiều hộ đã lợi dụng đêm tối đổ cá thối ra các bãi rác khiến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xã phải huy động công an, dân quân đi dọn dẹp mới đỡ được” – ông Lâm cho biết.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Khuông – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ cho biết, trong đợt nắng nóng lịch sử diễn ra vào tháng 5-6 vừa qua đã khiến cho tình trạng dịch bệnh gia tăng tại các ao, đầm nuôi thủy sản ở các xã của huyện, khiến tình trạng cá chết hàng loạt.
“Do huyện, tỉnh không có chủ trương, chính sách hỗ trợ, nên chúng tôi cũng không yêu cầu các xã thống kê thiệt hại cụ thể. Nhìn chung, đến thời điểm này, các hộ nuôi tại 27 xã, thị trấn của huyện đã thả nuôi cá trở lại”- ông Khuông nói.
Theo các chuyên gia thủy sản, với những ao nuôi bị ô nhiễm, cá bị nhiễm độc, thiếu ôxy, nổi đầu chết thì phải dùng máy quạt nước, hóa chất làm tăng ôxy để làm tăng lượng ôxy hòa tan và đẩy các khí độc ra khỏi ao.
Tiến hành khử trùng nước ao bằng hóa chất khử trùng (ví dụ như dùng Vicato với liều lượng 0,5 - 0,8 g/m3 nước).
Sau khi khử trùng nước, dùng các chế phẩm sinh học như Bio DW, EMC… theo hướng dẫn của nhà sản xuất để phân hủy các chất dư thừa, giảm chất độc đồng thời khôi phục hệ vi sinh có lợi trong nước. Dùng men tiêu hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức khỏe cho cá nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Cư M'gar (Dak Lak) có 802,5 ha hồ tiêu, chủ yếu được trồng xen canh và một số ít được trồng độc canh; trong đó có 530 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Theo số liệu tổng hợp của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, hiện có khoảng 20 ha diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm nhiều diện tích cây tiêu đã bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của người trồng tiêu.

Hai năm nay, giống gà H'mông đã được "khai sinh, lập trại" tại vùng đất Sơn Hà, Sơn Tây. Nhiều gia đình nông dân Hrê nơi đây tiếp thu kiến thức mới, đầu tư công sức vào nuôi giống gà này với mong ước đổi đời.

Cụ thể, tại xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao, có một số diện tích lên tới 50 - 70 con/m2 và đã làm hơn 200m2 lúa bị ốc bươu vàng cắn phá trắng.

Ngày 26/5, theo thông báo nhanh của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), trong thời gian gần đây, nạn sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên nhiều loại cây trồng của huyện này như mía, tiêu, ca cao, khoai lang, cà phê, măng cụt, khoai mỳ, cao su, mít...; địa bàn bị sùng trắng gây hại nhiều nhất là 3 xã Đạ Tồn, Đạ P'loa và Đạ M’ri.

Ngoài ra, nhiều hộ cũng dành dụm đất trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu vào mùa khô. Mỗi năm nông dân xã Đắk D'rông bán cho các địa phương khác trung bình từ 300 đến 500 con nghé, 200 trâu kéo và 300-400 trâu thịt thu về hàng chục tỉ đồng.